Trong năm 2016, hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền nhân dân các cấp của tỉnh Long An khẳng định là một hoạt động kinh tế – xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Long An
Chỉ tính từ năm 2016 và quý I năm 2017, toàn tỉnh đã có 200 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó (Nhật Bản 100 người, Đài Loan 65 người, Singapore 17 người và thị trường khác 18 người). Đa số những người lao động này là lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Qua theo dõi và phản ánh của một số lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức thu nhập trung bình ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khá cao, khoảng trên 20 triệu đồng/tháng/lao động, điều kiện lao động và sinh hoạt tương đối tốt; thị trường Đài Loan thu nhập khoảng trên 12 triệu đồng/tháng/lao động, điều kiện lao động và sinh hoạt ở mức trung bình. Qua việc đi XKLĐ, nhiều gia đình trở nên khá giả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Từ đó, cơ quan chức năng của tỉnh quyết tâm và chủ động liên hệ với các Công ty để đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Những địa phương có số người tham gia XKLĐ khá nhiều là: Đức Hòa, Bến Lức, thành phố Tân An …
Tuy nhiên, số lượng lao động của tỉnh được tham gia xuất khẩu lao động còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi XKLĐ của người lao động. Trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động còn thấp (khoảng 40% lao động qua đào tạo so với tổng số). Hoạt động lừa đảo của một số tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động còn xảy ra ở địa phương. Những lao động có điều kiện kinh tế muốn đi làm việc ở các nước có mức tiền lương cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, song những thị trường này lại tiếp nhận số lượng ít và đòi hỏi tiêu chuẩn cao nên người lao động nghèo khó đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
Mặt khác, việc theo dõi, quản lý số lao động làm việc ở nước ngoài chưa chặt chẽ vì ở địa phương không có doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp mà phải hợp tác với những doanh nghiệp XKLĐ ở thành phố Hồ Chí Minh và những địa phương khác. Số lao động hết hạn trở về nước không đăng ký với cơ quan quản lý lao động, nên hiện nay địa phương chưa thực hiện được công tác theo dõi, quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, cũng như chưa nắm được cụ thể tình hình thu nhập của người lao động do Bộ Lao động – TBXH chưa có quy định cụ thể.
Mặt khác, hiện nay tỉnh Long An chưa có doanh nghiệp trực tiếp làm công tác XKLĐ, thiếu đầu mối để triển khai, tuyên truyền nắm bắt thị trường XKLĐ nên công tác điều hành chỉ đạo công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động chưa được triển khai và đầu tư đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương nên thị trường xuất khẩu lao động ở tỉnh cũng chỉ dừng lại ở những thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Các doanh nghiệp XKLĐ được giới thiệu về địa phương tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chấp hành các quy định về thông tin, tiến độ tuyển chọn và phối hợp cùng cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Về phía người lao động còn hạn chế về sự hiểu biết pháp luật lao động, tác phong công nghiệp và tay nghề thấp nhưng muốn đi làm việc ở các nước có thu nhập cao. Đối với thị trường lao động ở Malaysia mặc dù chi phí ban đầu ít nhưng thu nhập trung bình nên thiếu tính hấp dẫn. Thị trường lao động ở Đài Loan chủ yếu tuyển dụng lao động giúp việc nhà nên nhiều người lao động còn e ngại. Các thị trường hấp dẫn khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc thì đòi hỏi cao về chất lượng lao động, số lượng tuyển dụng cũng hạn chế. Còn các thị trường khác chưa được chú ý tới. Đồng thời, các khoản chi phí đi XKLĐ của một số thị trường rất cao như: Đài Loan từ 100 – 120 triệu đồng, người lao động khó tiếp cận với vốn vay tín chấp. Những đối tượng không thuộc diện chính sách, hộ nghèo, không có giấy tờ nhà đất để thế chấp vay vốn thì không có khả năng để tham gia xuất khẩu lao động…
II. Tỉnh Long An cần đẩy mạnh công tác đào tạo và tuyển dụng xuất khẩu lao động hơn nữa
Ông Phùng Minh Đức, Trưởng phòng lao động thương binh và xã hội huyện Cần Giuộc cho biết: “Huyện sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh trực tiếp đến các xã thị trấn đồng thời củng cố nâng cao chất lượng của các tổ tư vấn thuộc các ngành huyện và các xã thị trấn để tư vấn thường xuyên cho người lao động”.
Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên và triển khai Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục đề ra mục tiêu và giải pháp trong công tác xuất khẩu lao động trong năm 2017 và các năm tới như: Tập trung đẩy mạnh và tạo bước phát triển bền vững trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phấn đấu năm 2017 đưa khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 70% lao động qua đào tạo.
Các giải pháp được tỉnh đề ra là: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động theo Chỉ thị số 41-CT/TW của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và những văn bản hướng dẫn thực hiện khác.
Bước sang năm 2017, Long An tái khởi động chương trình giải quyết việc làm cho người lao động bằng việc đào tạo lao động tay nghề cao, xuất khẩu lao động với phương trâm “đi làm thuê, về làm chủ”.
Công tác khuyến khích người lao động đăng ký tham gia ứng tuyển vào các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc được chính quyền ở tỉnh Long An quan tâm đặc biệt. Trong đó, Sở LĐTB&XH tỉnh xác định việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn là cách nhanh nhất giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, địa phương đã tích cực triển khai chủ chương xuống các xã phường, thị trấn giúp người dân nắm bắt được tình hình xuất khẩu lao động cũng như những thị trường lao động tiềm năng. Ngoài công tác tuyên truyền vận động, tỉnh Long An cũng chỉ đạo các huyện cần phải thường xuyên tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động trong độ tuổi.
[table “16” not found /]