Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết, từ đầu năm đến nay, Kon Tum đã có 560 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, nhiều nhất là Malaysia (với 328 lao động) và Hàn Quốc (182 lao động).
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Kon Tum
Tại Hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động năm 2017 diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đánh giá, năm 2016, toàn tỉnh có 106 lao động được các công ty tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động, đạt 106% chỉ tiêu đề ra.
Hầu hết số nhân lực được tỉnh tuyển đưa đi xuất hẩu lao động đều là con em các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh.
Riêng tại 2 huyện nghèo thuộc diện 30a/CP là Tu Mơ Rông và Kon Plông đã có 277 lao động người dân tộc được đưa đi làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc, Lào.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều được hỗ trợ chi phí cho vay theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền gần 6,2 tỉ đồng, giúp họ trang trải sinh hoạt ban đầu và yên tâm lao động.
Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi lao động tại nước ngoài có thu nhập từ 6 triệu – 20 triệu đồng/tháng, góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
II. Thực trạng công tác tuyển dụng XKLD tại Kon Tum
Gần đây, nhiều doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã tiến hành tuyển dụng và đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, không ít công ty khi đưa lao động xuất cảnh thì xem như kết thúc hợp đồng tuyển dụng. Lao động địa phương ở nước ngoài xảy ra các vấn đề cần sự can thiệp, hỗ trợ của đơn vị chủ quản rất khó. Người dân cho rằng, kiểu làm ăn này như “đem con bỏ chợ”.
Tại Hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động năm 2017 diễn ra vào tháng 3 vừa qua, nhiều đại biểu nêu ra không ít vấn đề vướng mắc, yếu kém xung quanh việc quản lý thị trường lao động; công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng đến hỗ trợ bảo vệ lao động sang nước bạn trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng, còn doanh nghiệp đã tuyển dụng xong gần như khép lại hợp đồng.
Còn bà Hồ Thị Ngọc Lan – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà nói: Hai năm qua, địa phương có hơn 100 lao động đi làm việc ở Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhiều lần, các doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động trước đó ở huyện, xã. Với chức năng được giao, đơn vị đã yêu cầu công ty có báo cáo, hoặc thông tin định kỳ (hàng tháng, quý, năm theo quy định hiện hành) về tình hình người dân đang làm việc ở các nước theo hợp đồng ký kết có thời hạn, nhưng, doanh nghiệp không thực hiện.
Muốn chủ động trong chuyên môn, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện phải cử cán bộ về tận thôn, làng, tổ dân phố tìm hiểu, nắm được giờ giấc sinh hoạt, làm việc và thu nhập của lao động nước ngoài, thông qua người thân của họ ngay địa phương. Bà Lan cũng khẳng định, lao động địa phương đã từng xảy ra sự cố khi làm việc ở ngoài nước, nhưng đơn vị xuất cảnh lao động thiếu hợp tác, thiếu sự mặn mà can thiệp cho người dân địa phương.
Chưa dừng ở đó, cuộc họp triển khai công tác xuất khẩu lao động còn nhận được nhiều phản ánh từ các phòng Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện và chính các doanh nghiệp về việc cán bộ nhân viên giữa các đơn vị tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động nói xấu lẫn nhau. Từ đó, người dân hoang mang, e ngại và thậm chí tỏ ra nghi ngờ bị “lừa” khi tham gia làm việc ở nước ngoài. Điều này đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và ngành chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách ưu đãi của nhà nước về xuất khẩu lao động, tạo việc làm mới, nâng cao đời sống ổn định đối với người dân địa phương.
III. Công tác tuyển dụng tại tỉnh Kon Tum cần được đẩy mạnh
Chỉ tính riêng trong năm 2016, hơn 300 lao động đang làm việc ở nước ngoài đã chuyển tiền về cho gia đình khoảng 22 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 tháng đầu năm 2017, các đơn vị chức năng và doanh nghiệp tiếp tục tư vấn, đưa đi 44 lao động đi làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giúp việc gia đình tại Nhật Bản, Đài Loan, Ả Rập Xê Út. Hiện tại, đơn vị đang phấn đấu hết năm nay, đưa khoảng 100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các ngành nghề mở rộng là công nhân kỹ thuật công nghiệp, cơ khí, điện tử, dệt may, xây dựng, dịch vụ.
Tuy nhiên, ngành cũng nhìn nhận, nguồn lao động địa phương dồi dào, nhưng tay nghề chưa cao, thiếu kinh nghiệm. Doanh nghiệp tuyển dụng gặp khó khăn là phải đào tạo lại.
Ông Trần Văn Thiện – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: Sau buổi họp này, đơn vị sẽ xem xét, kiểm chứng có thông tin thiếu thiện chí hợp tác từ doanh nghiệp. Quả thật có vấn đề xảy ra đúng như thế, tôi sẽ đề nghị Ban Giám đốc Sở có báo cáo UBND tỉnh kiên quyết “tuýt còi” đối với công ty, đơn vị làm ăn nửa vời, tắc trách, làm ảnh hưởng xấu đến công tác tuyên truyền về lao động ngoài nước tích cực thời gian qua.
“Trước mắt, đơn vị sẽ tổ chức tiếp buổi họp các phòng, ban chuyên môn để rút kinh nghiệm, có biện pháp xử lý kiên quyết, không thể để người lao động đi làm ngoài nước bị thiệt thòi. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ đúng các nội dung ghi nhớ ở hợp đồng tuyển dụng, cũng như cam kết với ngành chức năng quản lý lao động” – ông Thiện nói.
[table “16” not found /]