Xuất khẩu lao động là cứu cánh cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi, nhưng cái giá đổi lấy ngoại tệ mang về không bao giờ giản đơn.
Nhiều làng quê ven biển Miền Trung giờ không kiếm ra bóng dáng trai trẻ. Cụ Huỳnh, người sót lại hiếm hoi của thế hệ 3x nói trong lo lắng: “Nhỡ một ngày tui buông tay nhắm mắt không biết nhờ ai khiêng ra đồng”. Nỗi lo của cụ tuy ít người nghĩ đến nhưng ngẫm lại mới thật gần làm sao!
Dọc con đường quốc lộ 9 chạy xuyên Việt, điểm cuối cùng là vùng biển trù phú, lộc biển ban cho con người nơi đây cuộc sống đủ đầy, nhưng đó là câu chuyện của mười, hai mươi năm trước. Giờ đây, biển mỗi ngày một “khó chịu” hơn, tài nguyên biển cạn kiệt dần, đánh bắt xa bờ không phải ai cũng đủ năng lực đầu tư.
Cuộc sống miệt biển vì thế cũng trở khó, những người trẻ không cam chịu phận “ngư phủ” như thế hệ cha anh. Xuất khẩu lao động trở thành trào lưu mới, mức lương 20 – 30 triệu đồng ở xứ người chắt bóp cần kiệm 5 năm kiếm chút vốn liếng. Miền biển có vẻ ngày càng trù phú hơn bởi những ngôi nhà khang trang tiền tỉ được xây bằng Đài tệ (Đài Loan), Uôn (Hàn Quốc), Yên (Nhật Bản)…
Xuất khẩu lao động là cứu cánh cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi, nhưng cái giá đổi lấy ngoại tệ mang về không bao giờ giản đơn. Nhiều ngôi làng miền biển thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị) không thiếu những đứa trẻ được “gửi” lại cho ông bà, cô bác. Vò võ mấy năm trời chúng chỉ biết ba mẹ đi đâu đó sắp về, bọn trẻ lớn lên thiếu đi tình thương từ những người nứt thịt sinh ra.
Theo “cơn sốt” lao động nước ngoài, nhiều công ty “ma” đã được lập ra cùng với vô vàn lời mời chào hấp dẫn, có người cầm cố sổ đỏ, thậm chí bán nhà gom cả gia tài để thực hiện ước mơ đổi đời. Không ít trong số đó “tiền mất tật mang” vì dính quả lừa đau đớn.
Lao động Việt tại xứ người cũng lắm chuyện buồn thương. Hết niên hạn cho phép mà chưa kiếm đủ nên trốn ra ngoài lao động “chui” gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội nước sở tại. Lao động bất hợp pháp nên thỉnh thoảng cũng có những vụ tai nạn lao động làm chết người, có trường hợp nằm nhà xác cả tháng trời vì không đủ chi phí vận chuyển về quê nhà.
Có cả những chiêu đi bằng “chính ngạch” nhưng qua đó tham gia thị trường lao động “chợ đen” vì thu nhập cao mà bất chấp rủi ro. Nhiều chuyện không hay làm xấu hình ảnh người Việt ở xứ người. Ở Hàn Quốc đã có danh sách 58 quận huyện tại Việt Nam bị cấm lao động ở nước này, vì nhiều lý do nhưng trong đó có cả những chuyện không ai muốn nhắc đến!
Quảng Trị là tỉnh nghèo giữa dải đất Miền Trung khắc nghiệt, nơi đó sẽ càng khó hơn trong nay mai khi thiếu đi nguồn lực trẻ. Kế sinh nhai vững bền còn ở đâu đó trên giấy tờ, lao động sức vóc cứ lũ lượt ra đi xứ người tìm kế sinh nhai. Rồi đây xoay xở ra sao với nguồn vốn chắt chiu được? Hay rồi tái thất nghiệp? Đó là nguy cơ tiềm tàng sau những ngôi nhà bạc tỉ.
Chuyện ngư dân bỏ biển không khác mấy với nông dân “chán” đất, đó là mối họa về sau không thể làm ngơ. Biển vắng ngư dân, ruộng đồng thiếu người cày cấy, thỉnh thoảng xuất hiện một vài người hỏi gom đất ruộng giá cao. Ngoài kia thế lực thù địch chưa buông bỏ âm mưu chiếm biển, mối nguy ngày một gần bờ hơn.
Với một đất nước đi ra từ nông nghiệp, mọi bất ổn xã hội đều có gốc tích từ đó, hay nói cách khác sinh kế ngay trên quê hương mình sẽ bớt đi nỗi lo “rỗng” từ bên trong. Xuất khẩu lao động, vì thế cũng chỉ là “nóng tay bắt lỗ tai”, về lâu dài cần tính sinh kế vững bền.