Bỏ lại những chuyến ra khơi ở quê nhà, trai tráng làng Kỳ Xuyên rủ nhau đi Hàn Quốc, Nhật Bản nuôi mộng làm giàu.
- Nhiều cơ hội cho lao động huyện nghèo muốn làm việc ở nước ngoài
- Cơ hội cho lao động Việt Nam đi XKLD Thái Lan ngành xây dựng và đánh cá
- Cơ hội mới cho lao động Việt Nam ở Nhật, Visa Nhật thời hạn 5 năm không còn là ước mơ xa vời
Những ngôi nhà cao tầng nối nhau san sát hai bên con đường làng thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), nhiều nhà còn tươi màu sơn mới. Nếu không có tiếng sóng biển và mùi xe chở cá qua lại, khó có thể nhận ra khung cảnh nơi nghề chính là đánh bắt gần bờ.
Ngồi trong ngôi nhà hai tầng khang trang, bà Nguyễn Thị Hẳn (69 tuổi) niềm nở kể chuyện con trai đi xuất khẩu lao động. Bà thỏ thẻ: “Ở đây mọi người kín đáo nên không phải ai cũng nói đâu. Người ngoài chỉ thấy thành quả mà không thấy mồ hôi, chúng tôi sợ khi được gọi là làng tỷ phú”.
Bà Hẳn có năm người con, hai con trai lớn đều đi biển. Nhưng mười năm trước, khi anh Phan Tây (33 tuổi) trở về sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người mẹ đã can ngăn con trai thứ ba ra ngư trường. “Hai đứa lớn làm biển lúc có lúc không, bạn tàu lại mượn tiền không trả, nên nhiều lúc tôi phải bù lỗ. Có khi Tết tới nơi mà tôi phải chạy tiền”, bà phân trần.
Là cán bộ phụ nữ xã, khi nghe thông tin về đề án Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc của Sở Lao động tỉnh Quảng Ngãi, bà Hẳn giục con đăng ký tham gia. Được mẹ khuyến khích, chàng trai mới ngoài đôi mươi quyết tâm làm một chuyến “xa bờ”.
Vượt qua thử thách với các khóa học ngôn ngữ ngắn hạn, anh Tây được tuyển chọn sang xứ người làm công nhân xây dựng với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.
Sau năm năm, anh hết thời hạn lao động, tích cóp được một khoản tiền lớn về quê. Lúc này, mẹ anh cũng vừa trả hết nợ cho nậu (người cho ngư dân vay tiền). “Nhờ có số tiền ấy, mẹ con đã có nhà đàng hoàng chứ trước đây lụp xụp lắm”, bà Hẳn nói với nụ cười rạng rỡ khi ôm cháu trai vào lòng. Con trai bà đã học tiếng Nhật để xuất ngoại lần hai, dù đã có vợ con, nhà cửa.
Ở làng biển Kỳ Xuyên, biển là lối đi nhanh nhất với những thanh niên như anh Tây. Người an phận thì chọn biển gần bờ hoặc đi biển thuê, người hoài bão thì đóng tàu lớn vươn khơi xa. Nhưng khi biển mỗi ngày một khó, thì xuất khẩu lao động như một cánh cửa hy vọng mở ra.
Gần mười năm trước, tin nhà nọ, nhà kia có người đi Hàn Quốc gửi về hàng chục triệu được người làng Kỳ Xuyên râm ran truyền tai nhau. Rồi một vài ngôi nhà cao tầng mọc lên đã đánh thức giấc mơ thoát nghèo của họ. Chẳng mấy chốc, cơn lốc xuất ngoại cuốn gần hết thanh niên trong làng, để lại những ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, chật chội nhưng trống trải.
Năm năm trước, anh Võ Thành Công (40 tuổi) bán chiếc tàu 500 triệu đồng với giá rẻ sau gần 30 năm ra khơi. Thay vì những chuyến biển bấp bênh ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, anh làm thủy thủ cho tàu Hàn Quốc với mức lương khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Hai năm sau, anh Võ Thành Sơn (30 tuổi) cũng nối gót anh trai sang xứ người làm thủy thủ.
Bà Trần Thị Đông, mẹ anh Công tâm sự: “Làm chủ tàu bên mình thì phải vay đầu nậu, cho bạn thuyền mượn tiền, thu nhập còn lại chỉ đủ trang trải gia đình. Không có tiền dôi dư để dành cho con cái”.
Sang Hàn Quốc, hai con trai bà phải làm quen với phương pháp đánh bắt mới. Thay vì đánh bắt trên tàu gỗ, người Hàn Quốc dùng tàu composite khi đánh bắt gần bờ và tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ. Các công đoạn kéo lưới, mang cá lên bờ đều dùng lưới, cần cẩu. “Con tôi lênh đênh trên biển cả tháng trời, có lúc trời lạnh dưới 0 độ nhưng được lương ổn định hàng tháng và đóng bảo hiểm”, người mẹ tỏ ra hài lòng, thoáng chút lo lắng.
Chồng, con trai sống trên biển nhiều hơn đất liền, những người ở nhà không dễ liên lạc. Chị Đặng Thị Mỹ, vợ anh Sơn ôm đứa con nhỏ trong tay, nói: “Mình không chủ động gọi được, chỉ khi vào đảo nào có sóng anh mới gọi về. Có khi cả tháng mới gọi một lần”.
Mỗi năm, anh Công và anh Sơn chỉ được nghỉ phép một hoặc hai lần để về thăm nhà. Ngoài những cuộc gọi, mạng xã hội trở thành phương tiện kết nối các anh với gia đình.
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên càng nhiều, những căn nhà cũ thêm phần ọp ẹp, những người đàn ông lại quyết chí xuất ngoại. Anh Phương (34 tuổi) cũng từng là một chủ tàu với thu nhập dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, nhưng vẫn nói chắc nịch với mẹ: “Con phải đi Hàn”.
Bà Đặng Thị Chúng (70 tuổi), mẹ anh Phương ngồi bên hiên nhà nhớ con: “Ba năm trước nó quyết tâm đi. Tôi nói ở đây cũng được rồi, đi sang xứ người chi mà tội. Nhưng rồi nó bảo để nó kiếm tiền cho đời con nó thong thả”.
Ông Trần Đình Tiến – Chủ tịch xã Tịnh Kỳ thống kê, địa phương có trên 300 người xuất khẩu lao động, trong đó thôn Kỳ Xuyên có khoảng 200 người, chiếm tỷ lệ cao nhất. Thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật bản với các ngành nghề như: cơ khí, xây dựng, may mặc, dịch vụ, nông nghiệp, thủy thủ, chế biến hải sản…
Nhờ nguồn tiền từ lao động xuất khẩu, bộ mặt thôn Kỳ Xuyên đổi thay với những ngôi nhà khang trang. Nhiều người về nước có vốn phát triển kinh tế gia đình. “Nhưng một số người vẫn chưa có việc làm, họ có kỹ năng và kỷ luật lao động khi đi nước ngoài nhưng chúng ta chưa có cách tận dụng lực lượng lao động này”, ông Tiến nói.
Ông Lương Kim Sơn – Giám đốc Sở Lao động Quảng Ngãi cho biết, mỗi năm tỉnh đưa hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động, hướng đến hai thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng 2018, Quảng Ngãi có hơn 1.800 người “xuất ngoại”, trong đó hơn 730 người đi Nhật, gần 300 người đi Hàn.
Hiện tỉnh có 4.800 người làm việc trong thời hạn ở nước ngoài, gửi về mỗi năm gần 300 tỷ đồng. Lao động về nước có thể tiếp tục đi lao động xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc cho công ty xuất khẩu lao động hoặc mở cơ sở làm ăn riêng…
Theo Giám đốc Sở, lao động tỉnh Quảng Ngãi phần lớn chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, số lượng ở lại quá hạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bằng chứng là tỉnh này không có huyện nào nằm trong danh sách bị cấm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc các năm qua.
“Xuất khẩu lao động không chỉ đơn thuần vì kinh tế mà còn giúp người lao động thay đổi tư duy, nhận thức khi được làm việc ở các xã hội có phương pháp sản xuất và cách thức tổ chức cuộc sống cao hơn”, ông Sơn nhấn mạnh và cho biết đã đề xuất tỉnh hỗ trợ thêm chi phí học ngôn ngữ và vốn vay trước khi “xuất ngoại” trong thời gian tới.
Nguồn: https://vnexpress.net