Hơn 12.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc và không bị xử phạt nếu về nước đúng hạn.
- Việt Nam đứng thứ hai về số lượng lao động làm việc ở Nhật Bản
- Ngày 7/2, mở lại cổng tiếp nhận hồ sơ lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia
- Lao động người nước ngoài tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục 1.650.000 người
Đây là những chính sách mới của Bộ Tư pháp Hàn Quốc được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) thông tin chiều nay, 4.2, nhằm khuyến khích lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước.
Cụ thể, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động nước ngoài (theo visa E-9) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện khai báo và về nước trong khoảng thời gian từ 11.12.2019 đến hết 30.6.2020 sẽ không bị phạt tiền, được ở lại thêm tối đa 3 tháng.
Ngoài ra, nếu người lao động về nước trong thời gian trên sẽ được đăng ký dự thi tiếng Hàn để dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là chương trình EPS) đối với những người đủ điều kiện đăng ký dự thi.
Khi đăng ký tự nguyện về nước, người lao động sẽ được nhận “Giấy xác nhận tự nguyện về nước” do Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp. Sau khi về nước từ 3 – 6 tháng sẽ được phép nhập cảnh trở lại Hàn Quốc: nhập cảnh ngắn hạn một lần (visa C-3); lao động thời vụ (visa C-4, E-8); du học tiếng Hàn (visa D-4); doanh nghiệp đầu tư (visa D-8) để nhập cảnh Hàn Quốc.
Lao động chuyển đổi nơi làm việc sẽ chỉ phải nộp 30% tiền phạt
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, đối với người lao động chuyển đổi nơi làm việc nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi và còn thời hạn cư trú, nếu tự nguyện khai báo trong thời gian từ 11.12.2019 – 31.3.2020 chỉ phải nộp 30% tiền phạt và được tiếp tục làm việc tại nơi đã chuyển đến, hoặc có thể đăng ký tìm việc khác với Bộ Lao động – Việc làm Hàn Quốc.
Chính sách nêu trên cũng áp dụng với các chủ sử dụng lao động đang nhận lao động bất hợp pháp hoặc lao động không thực hiện các thủ tục chuyển đổi, nhằm khuyến khích các chủ sử dụng khai báo với các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đưa ra chính sách lần này của Hàn Quốc nhằm khuyến khích lao động nước ngoài bất hợp pháp và chủ sử dụng lao động bất hợp pháp tự nguyện khai báo với các cơ quan chức năng để được hưởng các ưu đãi; đồng thời, là cơ sở để Hàn Quốc sẽ tiến hành các chiến dịch truy quét quy mô lớn đối với đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này.
“Người lao động bất hợp pháp tự nguyện hoặc bị trục xuất về nước sẽ giảm tình trạng người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp, và là cơ sở để phía Hàn Quốc xét tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài vào Hàn Quốc theo chương trình EPS”, ông Liêm nói.
Nhằm giảm lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có công văn đề nghị sở LĐ-TB-XH các tỉnh và thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền các nội dung về chính sách mới nêu trên của Hàn Quốc; vận động các gia đình có người thân cư trú bất hợp pháp khai báo với cơ quan chức năng Hàn Quốc về nước để được hưởng chính sách nêu trên.
Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB-XH đã tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đối với 40 quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 100 quận, huyện. Tính đến cuối năm 2019, số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp lại Hàn Quốc đã giảm từ 14.684 người (năm 2018) xuống còn 12.009 người.
Cập nhật các thông tin mới nhất về xuất khẩu lao động Hàn Quốc TẠI ĐÂY