Nếu như ở Việt Nam, hình thức đào tạo kép còn khá xa lạ nhưng tại CHLB Đức, mô hình này đã có từ lâu đời và rất phát triển. Mô hình này được cả thế giới đánh giá cao, bằng cấp được Đức cấp cho học viên tham gia mô hình đào tạo này được cả thế giới công nhận. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mô hình đào tạo kép là chìa khóa thành công của nền kinh tế Đức.

Học đi đôi với hành

Trong hệ thống đào tạo kép, người học sẽ có 40% thời gian học lý thuyết tại trường nghề và 60% thời gian học thực hành tại doanh nghiệp (DN). Chính vì người học được đào tạo 2 nơi như thế nên mô hình đào tạo này được gọi là đào tạo kép. Khi người học tham gia chương trình này, họ được đào tạo 2.100 tiết lý thuyết tại trường dạy nghề và khoảng gần 3.000 tiết thực hành nghề tại các DN đang hoạt động trong ngành nghề mà người học theo học.

Chương trình này mang đến cho người học nhiều cơ hội để có thể học việc và từ đó thu thập kinh nghiệm làm việc. Chương trình này thường kéo dài từ 2 đến 3 năm rưỡi và bao gồm 2 quá trình: Một là, người học sẽ dành ra 1 đến 2 ngày/tuần hoặc vài tuần liên tục để đi học ở trường nghề. Tại đây, người học sẽ được truyền đạt những kiến thức gắn với công việc sau này. Hai là, người học vận dụng những hiểu biết vào thực tế qua việc vận hành máy móc tại DN, từ đó xem bản thân mình có thể phù hợp với công việc hay không. Ở CHLB Đức, DN khi có nhu cầu mở rộng về nhân lực sẽ lập kế hoạch và lên chương trình tuyển sinh. Nếu DN đó có cơ sở dạy lý thuyết thì sinh viên vừa học lý thuyết kết hợp với thực hành ngay tại DN. Ngược lại, DN sẽ kết hợp với một trường nghề để hợp tác. Các trường nghề cũng tìm đến các DN để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho DN và sẵn sàng đào tạo theo nhu cầu của DN.

Hai học viên người Việt (thứ ba và năm từ phải sang) theo học chuyên ngành xây dựng gặp gỡ chủ doanh nghiệp và nhà trường ngay tại công trường
Hai học viên người Việt (thứ ba và năm từ phải sang) theo học chuyên ngành xây dựng gặp gỡ chủ doanh nghiệp và nhà trường ngay tại công trường

Kỹ sư Gabor Nagy, Chủ tịch Công ty Killenberg Bau GmbH (TP Erfurt), cho biết công ty ông chuyên về xây dựng cầu đường nên nhu cầu nhân lực gần như liên tục. Đó là lý do ông hợp tác với Trường Bildungswerk Bau (BiW), một trường chuyên dạy nghề xây dựng để chủ động cho nguồn nhân lực của DN mình. Gabor khẳng định tuy lao động ngành xây dựng toàn nước Đức đang thiếu trầm trọng nhưng DN của ông vẫn phát triển ổn định nhờ mô hình đào tạo kép phối hợp cùng Trường BiW. “Giờ đây, DN chúng tôi hoàn toàn chủ động nguồn lao động ngắn hạn, đó là những học viên đang học nghề xây dựng tại DN và Trường BiW. Trong tương lai gần, họ sẽ là nhân viên chính thức của DN và chúng tôi hoàn toàn yên tâm về kỹ năng nghề nghiệp của họ. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi bạn biết được 5 năm, 10 năm nữa ai sẽ là những nhân sự đắc lực của mình bởi họ đang ở đây với chúng tôi hằng tuần” – ông Gabor bày tỏ.

Học nghề nhưng được trả lương