Với bề dày phát triển công nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp và cuộc sống ở mức cao nhất nhì thế giới, nước Đức luôn chào đón tất cả những lao động được đào tạo bài bản, giỏi tiếng Đức và có tính kỷ luật cao. Đó là những điều kiện cơ bản để bạn trẻ đạt được thành công khi sang Đức du học nghề.

Giỏi tiếng Đức là lợi thế

Theo quy định hiện hành, người nước ngoài sang Đức du học nghề buộc phải có trình độ B1 và B2 tiếng Đức. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET), sẽ rất khó khăn nếu như sang Đức du học nghề với trình độ B1, bởi người học sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong giai đoạn đầu. “Với trình độ B1, người học vẫn phải học tiếp lên trình độ B2 và việc này sẽ mất khá nhiều thời gian. Ngược lại, nếu đã đạt trình độ B2, người học sẽ hòa nhập nhanh chóng và có được sự tự tin nhất định. Nói cách khác, tiếng Đức chính là chìa khóa mở toang cánh cửa thành công cho sự nghiệp của người học” – ông Du thông tin.

Yếu tố để thành công - Ảnh 1.

Bạn Trần Hoài Linh (bên trái) du học nghề ngành nhà hàng – khách sạn tại TP Weimar, bang Thüringen – CHLB Đức

Là người đã hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo nghề điều dưỡng tại Đức, chị Nguyễn Thị Ngọc Vân (TP Stuttgart, bang Baden-Württemberg) cho rằng tiếng Đức là yếu tố quyết định sự thành bại của người học tại Đức. Lúc sang Đức du học nghề điều dưỡng, với trình độ B1, chị gặp muôn vàn khó khăn với việc học lý thuyết bởi giảng viên dạy rất nhanh, trong khi phản xạ tiếng Đức và vốn từ của chị còn hạn chế. Do đó, chị phải dành rất nhiều thời gian ban đêm để rèn giũa thêm tiếng Đức. “Khi vừa sang, tôi bị stress khủng khiếp bởi trình độ Đức ngữ hạn chế. Học tiếng Đức không khó nhưng do mình không có môi trường để trau dồi, rèn luyện nên khi vừa sang, bản thân tôi rất hụt hẫng. Cũng may là tôi cân đối được thời gian cho việc học tiếng nên mọi khó khăn được giải quyết. Việc mạnh dạn giao tiếp với người bản địa cũng giúp tôi có được sự tự tin nhất định” – chị Vân cho biết. Nhờ những nỗ lực này mà chị Vân đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và có việc làm ổn định.

Làm ra làm, nghỉ ra nghỉ

Ngoài việc học tiếng Đức thật tốt, chị Vân cũng khuyên các bạn trẻ có ý định du học cần rèn luyện tác phong công nghiệp để không bỡ ngỡ với phong cách làm việc của người Đức.

Với người Đức, kỷ luật góp phần tạo ra năng suất lao động và phong cách làm việc chuyên nghiệp chính là giá trị của lao động thông qua sản phẩm. Nhiều học viên Việt Nam hay nói với nhau rằng với người Đức, 16 giờ chiều thực chất không phải là 16 giờ chiều, mà là 15 giờ 55 phút. Tại sao có chuyện như vậy? Đó chính là thời gian bởi người Đức luôn coi thời gian là tiền bạc. Họ không muốn để mất thời gian chết cho bất cứ công việc gì và luôn đúng giờ, thậm chí đến sớm hơn 5 phút cho các cuộc hẹn kể cả cho công việc hay chỉ là đi uống cà phê. Bạn Lê Trung Thành – du học nghề ngành điều dưỡng tại TP Chemnitz, bang Sachsen – cho biết đối với người Đức, làm ra làm, nghỉ ra nghỉ chứ không có chuyện nhập nhằng vừa làm vừa chơi như người Việt. “Ở Đức, người lao động phải dành trọn vẹn 8 giờ để làm việc và bạn khó dư ra phút nào cho việc khác. Chính vì vậy, để thích nghi với cuộc sống ở Đức, các bạn trẻ nên rèn cho mình phong cách chuyên nghiệp và tính kỷ luật ngay khi còn ở Việt Nam. Hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp sẽ tốt cho bản thân, kể cả khi bạn làm việc tại Việt Nam hay đến bất cứ quốc gia nào chứ không riêng gì ở Đức” – Thành kể thêm. Lê Trung Thành cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đừng quên kết nối với những anh chị đi trước để học hỏi và nhận được sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Người Đức cũng rất mở lòng với người nước ngoài và cũng sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn cởi mở với họ.