Khá giả nhờ xuất khẩu lao động
Từ một xã nghèo, giờ đây người dân Thái Mỹ, huyện Củ Chi TPHCM, đang ngày càng trở nên khá giả, nhờ phong trào đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang các nước phát triển.
Cả xã đi xuất khẩu lao động
Chương trình XKLĐ đến với Thái Mỹ từ 18 năm trước (năm 1995). Lúc đầu, khi chương trình được xã phổ biến đến người dân thông qua hệ thống loa phát thanh, nhưng rất ít người đăng ký vì lo ngại ra nước ngoài sẽ khó có ngày trở về gia đình. Một thời gian sau, khi những người đi XKLĐ tiên phong chẳng hề hấn gì mà còn gửi tiền về giúp đỡ gia đình có cuộc sống ổn định đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân. Thay vì lo ngại, người dân bắt đầu đăng ký ồ ạt, đến nỗi nhiều đối tượng nắm được tâm lý người dân, bắt đầu hình thành đội ngũ “cò” XKLĐ hoạt động rầm rộ.
Một cán bộ hưu trí ở xã cho biết: “Khoảng năm 2000, rất nhiều người đã bị “cò” lừa đảo mất hàng chục triệu đồng mà vẫn không đi được. Tệ hơn, nhiều nhà rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang vì vừa mất tiền mà không đi XKLĐ được, lại vừa không có tiền trả nợ. Nhưng rồi sau đó, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người dân làm theo đúng quy trình của xã nên mọi việc trở nên suôn sẻ”. Không chỉ có nam, vài năm gần đây, phụ nữ cũng đăng ký đi xuất khẩu lao động . Thậm chí, có gia đình, bao nhiêu anh em trong nhà đều đi xuất khẩu lao động hết, nhiều cặp vợ chồng cũng đi, để lại con cho bố mẹ nuôi. Hiện nay, đã có 509/1.400 người đi XKLĐ về đã có cuộc sống ổn định và hơn 95% hộ dân đi XKLĐ khá giả hơn trước khi được người đi làm gửi tiền về.
Vừa từ Hàn Quốc về nước được 4 tháng, chị Phan Thị Huỳnh Sa (35 tuổi, tổ 1 ấp Bình Thượng 2) lại tiếp tục đăng ký đi XKLĐ tiếp để có nguồn thu nhập chăm lo cho con học hết lớp 12 và tích cóp ít vốn phòng thân khi về già. Chị Sa cho biết: “Khi qua đó, tôi được đào tạo chuyên ngành và chỉ biết đi làm, ngoài giờ cũng xin tăng ca chứ không dám đi đâu chơi để có thêm tiền gửi về cho gia đình”. Hàng tháng, Sa vẫn đều đặn gửi tiền về cho gia đình nuôi con ăn học. Giờ đây, chị còn xây được nhà, sắm sửa đồ dùng trong gia đình.
Tích vốn để làm ăn
Với số tiền dành dụm được khi đi XLKĐ, nhiều người trở về đã có ý tưởng đầu tư làm ăn ngay tại quê nhà. Anh Lê Minh Hùng (tổ 6, ấp Bình Thượng 1), sau 5 năm đi XKLĐ tại Hàn Quốc, tích góp được số tiền kha khá đã quyết định đầu tư nuôi heo. Thời điểm đó, nuôi heo rất lời nhưng cần đầu tư nhiều tiền. Do “tay ngang”, không có kinh nghiệm chăn nuôi nên anh Hùng bỡ ngỡ, phải tìm tòi học hỏi từ những người đi trước. Ban đầu, anh chỉ dám nuôi thử nghiệm một con, sau đó thành công thì tăng dần và đến giờ đàn heo của anh đã lên hơn 30 con. Ổn định được bầy heo, anh bắt đầu nuôi thêm gà, đào ao nuôi cá… Giờ đây, anh “khoán” cho vợ chăn nuôi đàn heo, còn anh đầu tư mua một xe khách 30 chỗ tham gia vào nhóm đưa rước học sinh trên địa bàn xã.
Không bận tâm khi hết thời hạn XKLĐ trở về phải tìm việc làm, anh Lê Thiện Kim (tổ 11, ấp Bình Hạ Đông) đầu tư cửa hàng chuyên buôn bán đồ trang trí nội thất ở xã và đến nay ăn nên làm ra với 3 cửa hàng được mở. Chia sẻ bí quyết, anh Kim cho biết: “Khi còn làm việc ở Hàn Quốc, tôi thường xuyên gửi tiền về để gia đình tích góp. Khi đi được 1 năm, tôi nhờ gia đình mở một cửa hàng nhỏ chuyên buôn bán bàn ghế, rồi dần phát triển lớn mạnh. Vừa về nước, với cửa hàng đã có đang phát triển, tôi quyết định lấy số tiền dư khi về để đầu tư thêm một cửa hàng nữa, rồi lần lần mở rộng ra thêm”.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ Ban Xóa đói giảm nghèo – Tăng hộ khá xã Thái Mỹ, cho biết, thường những người đi XKLĐ sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… kiếm từ 30 – 50 triệu đồng/tháng. Khi hết hạn hợp đồng, với suy nghĩ về nước khó có dịp quay trở lại theo diện XKLĐ nên cố tìm mọi cách ở lại làm thêm, để rồi bị phát hiện và trục xuất về nước. “Thực ra, nếu người lao động am hiểu, về sớm lại có cơ hội đi các nước khác để kiếm tiền nhiều hơn vì đã có kinh nghiệm làm việc. Vài năm gần đây, Hàn Quốc không còn tuyển dụng lao động Việt Nam, xã chuyển sang giới thiệu cho người dân đăng ký đi XKLĐ ở Nhật, Malaysia. Người dân thường lựa chọn đi Nhật để có mức lương cao hơn. Tuy nhiên, độ tuổi đi XKLĐ có giới hạn, xã luôn tư vấn cho những người về với số tiền dành dụm được để có thể làm việc ổn định chứ không nên lười biếng hưởng thụ”, chị Nguyễn Thị Kim Dung nói.
Hình ảnh nhà cửa lụp xụp, thưa thớt giống như một ốc đảo hoang vắng của xã Thái Mỹ 5 năm về trước, giờ đây đã được thay thế bằng cảnh nhiều ngôi nhà mới, trang trại mọc lên. XKLĐ đã là bước đệm giúp xã nghèo dần lột xác trở thành vùng nông thôn phát triển xứng tầm với một đô thị phát triển.