CƠ HỘI LÀM GIÀU NHỜ ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG từ các câu chuyện đời thường :
Ngôi nhà 3 tầng xây dựng theo kiến trúc biệt thự nằm giữa làng Bến nổi trội hẳn so với xung quanh. Ông Đào Bá Thuật, 70 tuổi, chủ ngôi nhà vừa rót nước mời khách vừa chỉ tay vào những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, hồ hởi: “Tất cả đều là tiền do đứa con đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc gửi về xây nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt… Ở cái làng Bến này, hằng trăm gia đình có nhà cao, cửa rộng, có bát ăn, bát để như hiện nay cũng nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động”.
Nhà nhà… đi xuất khẩu
Về thôn Ngọc Trì (còn gọi là làng Bến) xã Bình Định (huyện Lương Tài) vào đúng ngày gặt rộ, nhưng trên các cánh đồng ít gặp những gương mặt trẻ mà chủ yếu là trung niên và người già. Bí thư chi bộ Ngọc Trì, ông Nguyễn Xuân Cải, phân bua: Khoảng chục năm trở lại đây, những người trẻ tuổi trong làng thi nhau đi xuất khẩu lao động… Ở lại là những người trung niên, người già và trẻ nhỏ. Dù đời sống từng gia đình nay đã khấm khá nhưng vẫn gắn bó với ruộng đồng.
Nhấp chén nước chè đặc quánh, ông Cải và ông Vũ Thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Ngọc Trì nhớ lại: Khoảng 20 năm về trước, làng Bến nghèo lắm. Là địa bàn cuối huyện, cuối xã, giáp ranh với Hải Dương nên điều kiện đi lại khó khăn. Đường làng tù túng, chật hẹp, chỉ mưa một trận nhỏ đã lầy lội. Người dân chủ yếu trông vào cây lúa, củ khoai nhưng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà kinh tế vẫn chẳng đủ ăn. Có thời điểm số hộ đói, nghèo trong thôn chiếm gần một nửa.
Làng Bến hôm nay đã khác xưa nhiều, cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, mảnh đất này đã có sự đổi thay vươn lên mạnh mẽ. Theo ông Cải khẳng định thì ban đầu cũng là do chi bộ, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nên cuộc sống của người dân đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, dấu ấn nổi bật của làng chính là từ khi trong thôn có người đi xuất khẩu lao động. Năm 1998, làng Bến đã có người đi xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc. Công việc tuy vất vả, xa gia đình, quê hương nhưng bù lại thu nhập khá cao nên nhiều người trong thôn đã đăng ký, học tiếng rồi liên hệ với các công ty để được đi xuất khẩu lao động.
Người đi trước rước người đi sau tạo thành phong trào xuất khẩu lao động ở làng quê này. Trong vòng 10 năm qua, trên địa bàn thôn có gần 1000 lượt người đi xuất khẩu lao động. Tại thời điểm này, cả thôn có khoảng 400 người đang lao động tại các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Số tiền hàng năm các lao động này gửi về cho gia đình lên đến hàng tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực đã làm thay đổi hẳn làng quê vốn nghèo khó này.
Theo ước tính hiện có khoảng 2/3 số hộ trong thôn (thôn có 3.750 khẩu, 870 hộ) có người đi xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình có 2- 4 người hiện đang làm việc tại nước ngoài như gia đình ông Nguyễn Công Lức, có 4 người con đang ở Hàn Quốc, gia đình ông Nguyễn Công Ha có 3 người ở Đài Loan, đảo Ship. Có những gia đình trước đây thuộc diện nghèo nhất làng nhưng nhờ con cái đi lao động nước ngoài giờ đã “bứt tóp” vươn lên hàng giàu có như gia đình ông Nguyễn Văn Cậy, Nguyễn Công Láp. Gia đình ông Đào Bá Thuật mà chúng tôi có dịp ghé qua, từ năm 2000 đến nay đã có tổng số 5 người con trai, con dâu và cháu tham gia xuất khẩu lao động. Ngôi nhà ba tầng khang trang với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và những chậu cảnh có giá trị mà ông, bà đang ở phần lớn do tiền của người con trai Đào Bá Quảng sau nhiều năm tích góp từ tiền đi xuất khẩu tại Hàn Quốc xây dựng.
Đổi thay và những trăn trở
Việc hàng trăm người dân làng Bến tham gia xuất khẩu lao động đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình. Theo thống kê, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm khoảng gần 70%. Số hộ nghèo còn 10% chủ yếu tập trung vào gia đình không có người đi lao động nước ngoài hoặc hộ có người tàn tật, neo đơn. Những gia đình có người đi nước ngoài đều xây được nhà hai, ba tầng hoặc biệt thự, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đắt tiền như tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh, điều hòa, nối mạng Internet… và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại các thành phố lớn. Mức sống của nhân dân trong thôn theo đó ngày càng nâng cao. Một minh chứng là trước đây, người làng Bến muốn mua sắm đồ đạc, hay thực phẩm phải sang tận chợ Nắp (xã Quảng Phú) hoặc lên chợ Thứa thì nay, ngay đầu làng Bến đã có chợ tự phát họp cả ngày tấp nập người mua, kẻ bán với nhiều hàng hóa phong phú.
Khi kinh tế phát triển, các công trình phúc lợi xã hội với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm theo đó cũng được các hộ dân ủng hộ tích cực. Thôn có đường bê tông to đẹp đến từng hộ dân, các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng…
Tuy nhiên, kinh tế phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trăn trở cho người dân và cán bộ nơi đây. Đó là lực lượng trẻ trong độ tuổi lao động chủ yếu đi xuất khẩu lao động khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, nhiều gia đình không có người làm đã phải cho ruộng. Đặc biệt, nguồn tiền từ lao động xuất khẩu đem về chủ yếu đầu tư cho nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt, ít được đầu tư cho sản xuất nên vấn đề giải quyết việc làm, tạo ngành nghề mới, phát triển sản xuất sau này cho chính lao động về nước và người dân trở thành bài toán khó cho chính quyền địa phương trong việc tìm hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, một số ít thiếu niên do có tiền của gia đình lại thiếu sự quan tâm, quản lý của bố mẹ dẫn tới chơi bời, lêu lổng… cũng đang là nỗi trăn trở lớn cho nhiều gia đình nơi đây.
Người làng Bến vốn chịu thương, chịu khó nay đã chọn cho mình hướng làm ăn chân chính để vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Đó là những tín hiệu đáng mừng của ngày hôm nay song để làng quê này thực sự vươn lên giàu mạnh, văn minh bền vững trong tương lai vẫn rất cần định hướng đầu tư đúng đắn của mỗi gia đình, người dân và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành chức năng…