Nhức nhối bài toán giải quyết việc làm dành cho lao động xuất khẩu về nước
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2011 đến nay, Bắc Ninh có gần 8.000 lao động xuất khẩu (LĐXK), chủ yếu sang các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, ca-ta, A-rập Xê-út… Trong đó đông nhất là thị trường Đài Loan chiếm khoảng gần 45,2%. Chính vì vậy, giải quyết việc làm cho LĐXK về nước đang là bài toán đặt ra cho các ngành chức năng của tỉnh.
Anh Nguyễn Đỗ Tiến (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ) có thời gian xuất khẩu lao động tại Nhật Bản ba năm, sau đó về nước anh làm tại Công ty TNHH Enshu Sanko Việt Nam, KCN Vsip Từ Sơn chia sẻ: Khi hết hợp đồng lao động về nước, tôi đã được tuyển dụng vào vị trí làm việc kỹ thuật phù hợp với chuyên môn đã từng làm ở nước ngoài. Chị Lê Thị Mài (huyện Lương Tài), đang là công nhân Công ty TNHH Mitac Việt Nam, khu công nghiệp Quế Võ cho biết: Sau ba năm lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) về nước và được tuyển vào Mitac làm. Nhờ có kinh nghiệm, tay nghề, nhất là một chút vốn tiếng Trung nên được công ty sắp xếp cho công việc tương đối tốt và mức lương hợp lý.
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít trong hàng nghìn LĐXK về nước mỗi năm tìm được công việc phù hợp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của Bắc Ninh có nhu cầu nhưng cũng chưa tuyển dụng được những vị trí việc làm mong muốn.
Cung – cầu hai ngả
Hiện nay đang xảy ra nghịch lý giữa cung và cầu. Các LĐXK về nước nhiều người có trình độ tay nghề cao nhưng không tìm được công việc phù hợp, mức lương xứng đáng. Cùng với đó, những đòi hỏi, yêu cầu, điều kiện làm việc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn có sự khác biệt so với làm việc tại nước ngoài.
Anh Lê Mạnh Cường (xã Đông Xuyên, huyện Yên Phong) đi lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) với nghề vận hành máy cắt, đầm bê-tông, mức lương 1.000 USD/tháng. Về nước đã hơn một năm nay, nhưng anh vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Hiện anh đang làm lái xe thời vụ cho cơ sở kinh doanh vận tải. Anh Nguyễn Thế Hữu (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du) vừa trở về sau gần năm năm lao động tại Hàn Quốc và vẫn loay hoay tìm việc. “Đã quen tác phong làm việc công nghiệp, được trả lương xứng đáng nên khi về nước tôi mới thấy để tìm một việc làm phù hợp với khả năng và thu nhập cao là rất khó khăn”.
Anh Nguyễn Thế Phong, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, có ba năm lao động kỹ thuật tại Đài Loan (Trung Quốc) và về nước năm 2013, nhưng đến nay anh vẫn làm tự do bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh sau ba năm lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), năm 2014 chị về nước, có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Trung cơ bản, với công việc chuyên lắp ráp linh kiện điện tử, nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về thông tin cho cả doanh nghiệp, cũng như người lao động vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, vai trò quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp tuyển dụng khi lao động xuất khẩu hết hợp đồng về nước vẫn còn chưa chặt chẽ, nhiều nơi bỏ ngỏ, mà chỉ quan tâm đến “đầu vào” tức đưa người đi XKLĐ.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ nhân sự, quản lý Công ty TNHH Enshu Việt Nam, cho biết: “Công ty chúng tôi luôn có chính sách ưu tiên những lao động kỹ thuật đã có tay nghề, kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài. Đó có thể coi như những “hạt mầm để dần nhân giống” đội ngũ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển, đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên việc tìm kiếm, tuyển các lao động như vậy vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nhất là thiếu nguồn thông tin, tiếp đến là môi trường làm việc, hệ thống máy móc của các công ty ở Việt Nam hầu như vẫn còn lạc hậu hơn so với nước ngoài. Trong khi đó lực lượng lao động để có trình độ, tay nghề cao cần một khoảng thời gian nhất định để “vừa học vừa làm”.
Cần khâu kết nối
Có thể nói, với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ nhất định, người từng đi xuất khẩu lao động được đánh giá là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao, nếu không được tận dụng sẽ là một sự lãng phí rất lớn.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Phùng Thị Thảo, quản lý hành chính nhân sự, Công ty TNHH Sehuyn Vina (KCN Quế Võ) cho rằng, mức thu nhập chênh lệch lớn giữa trong nước và nước ngoài là nguyên nhân chính khiến những người từng đi xuất khẩu lao động khó tìm việc.
Lo lắng không thể tìm được việc làm phù hợp sau khi về nước, không ít lao động xuất khẩu sau khi hết thời hạn hợp đồng trốn ở lại nước sở tại để cư trú, lao động bất hợp pháp. Bắc Ninh hiện có gần 40% số lao động xuất khẩu đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc gây trở ngại rất lớn trong việc quản lý, sử dụng lao động và chính sách xuất khẩu lao động giữa hai nước. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh biện pháp tuyên truyền vận động, xử phạt, các cơ quan chức năng cần đề ra các giải pháp liên quan đến giải quyết việc làm, tái hòa nhập cho LĐXK về nước.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Bùi Ngọc Quang cho biết: “Thực tế hiện nay Nhà nước vẫn chưa có một chính sách ở tầm vĩ mô về giải quyết việc làm cho lực lượng LĐXK về nước nên vẫn còn những khó khăn cho các địa phương. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, nhằm tránh gây lãng phí nguồn lao động có trình độ tay nghề. Ngoài Sàn giao dịch việc làm về tuyển lao động nói chung, mỗi quý một lần sở tổ chức sàn giao dịch riêng tập trung vào đối tượng là LĐXK về nước có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Mỗi phiên giao dịch có từ 300 đến 500 LĐXK về nước đến tìm kiếm cơ hội việc làm.
Anh Nguyễn Văn Thao, huyện Lương Tài có hơn năm năm làm nghề thợ mộc tại Ca-ta (Trung Đông), vừa về nước và đang tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm chia sẻ: “Thông qua sàn giao dịch việc làm cho người LĐXK về nước em mong muốn sẽ tìm được công việc phù hợp với những gì mình đã làm tại nước ngoài”. Chị Nguyễn Thị Lai, đại diện Công ty Cổ phần VS Industry Việt Nam nhận xét: “Thông qua các sàn giao dịch việc làm tại các địa phương, nhất là cho đối tượng LĐXK về nước, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng được những vị trí việc làm phù hợp, có trình độ tay nghề cao, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp tương đối tốt. Chúng tôi mong muốn thời gian tới các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức được nhiều các chương trình tư vấn, sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội tìm kiếm nhu cầu cho các doanh nghiệp cũng như người lao động”.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung, quan tâm công tác hỗ trợ, đào tạo nghề, nhất là cho lực lượng lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đến các sàn giao dịch việc làm tại các địa phương tìm hiểu, tuyển dụng lao động phù hợp. Thời gian tới tỉnh cần quan tâm hơn trong việc kết nối giữa LĐXK về nước với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng góp phần kết nối người lao động và các doanh nghiệp.
Công ty xuất khẩu lao động uy tín top 10 lớn nhất việt nam ,15 năm kinh nghiệm : đài loan , nhật bản,singapore, macao, trung đông …đơn hàng đa dạng , Thời gian xuất cảnh sớm phí chuẩn quy định.Bạn chuẩn bị kết thúc công việc ở nước ngoài muốn tiếp tục quay lại thị trường nước ngoài tìm cơ hội tham khảo thêm thông tin tại đây:
Xuất khẩu lao động Đài Loan — Xuất khẩu lao động Nhật Bản — Xuất khẩu lao động Singapore — Xuất khẩu lao động Macao