Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 41 người xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc bị tử vong. Ngoài ra, hàng chục trường hợp bị đưa ra xét xử tại tòa.
Liên quan đến tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật, những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Đặc biệt là mở các đợt cao điểm trong các dịp Tết Nguyên đán. Nhờ đó, số lượng công dân Thanh Hóa xuất cảnh trái pháp luật sang Trung Quốc đã giảm rõ rệt.
Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hoá, thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa còn 1.885 trường hợp đang lao động trái pháp luật tại Trung Quốc (giảm 86,17% so với năm 2015).
Số lao động xuất cảnh trái phép tập trung chủ yếu ở các địa bàn: Hậu Lộc (244 người), Quảng Xương (225 người), thành phố Sầm Sơn (110 người), Mường Lát (102 người), Hà Trung (95 người), Thạch Thành (75 người), Thường Xuân (73 người), Hoằng Hóa (73 người), Cẩm Thủy (68 người).
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi các nước lao động trái pháp luật, nhất là tại Trung Quốc.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 1.026 người xuất cảnh đi Trung Quốc lao động trái pháp luật về quê ăn Tết, 859 người không về.
Lực lượng chức năng đã tiến hành ký cam kết không tiếp tục xuất cảnh trái pháp luật được 895 trường hợp và 464 gia đình ký cam kết kêu gọi người thân đang lao động trái phép tại Trung Quốc trở về nước…
Công an tỉnh Thanh Hóa đã củng cố sai phạm đối với 27 trường hợp về hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định”. Trong đó, các phòng nghiệp vụ đã phối hợp với Công an các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Bỉm Sơn tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp.
Tính từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 43 trường hợp; khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Mới đây, ngày 8/2/2019, Công an huyện Quảng Xương đã phối hợp với Phòng An ninh Điều tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn xe ô tô chở 11 người và ngày 12/2, Công an huyện Hậu Lộc phối hợp với Phòng An ninh Đối ngoại và Phòng An ninh Điều tra phát hiện, ngăn chặn 1 xe ô tô chở 17 người đang trên đường di chuyển đi biên giới để xuất cảnh đi Trung Quốc lao động trái pháp luật.
Tiếp đó, ngày 19/2, Phòng PA09 đã phối hợp với Công an huyện Như Xuân khởi tố 1 vụ án hình sự, 1 bị can về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Hiện các vụ việc đang được các đơn vị tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ.
Hiện nay Phòng PA09 đang phối hợp với Công an huyện Hậu Lộc củng cố hồ sơ đề nghị khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng; phối hợp với Công an huyện Hà Trung củng cố hồ sơ đề nghị khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng có dấu hiệu tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, địa bàn xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương là nơi có hàng chục người xuất cảnh trái phép sang làm việc tại Trung Quốc. Năm 2018, toàn xã này có 78 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc.
Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, có 51 người trở về địa phương, còn lại 27 người vẫn đang lao động trái phép tại Trung Quốc. Công việc của các lao động này chủ yếu là làm trong các xưởng sản xuất đồ nhôm, ví da với mức lương từ 5 triệu – 10 triệu đồng/tháng.
Nhiều người trong số đó cũng chỉ vì nghe theo lời giới thiệu của người khác mà đi lao động trái pháp luật. Công việc thường rất vất vả vì phải làm cả ngày. Có những người vừa sang đến nơi thì bị lực lượng chức năng nước bạn bắt vì cư trú không hợp pháp.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, tại địa phương này đã có 41 người xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc bị tử vong đưa được thi thể về địa phương và 6 trường hợp bị mất tích.
Bên cạnh đó, gần 3000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt đuổi về nước và 29 trường hợp bị đưa ra xét xử tại tòa.
Nguồn: https://dantri.com.vn