LÀNG QUÊ GIÀU LÊN NHỜ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Từ một làng quê thuần nông, không có nghề phụ, thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông chờ vào hai vụ thu hoạch lúa hàng năm và một vụ màu. Cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng đến nay, thôn Yên Hồng xã Yên Lư huyện Yên Dũng đã và đang từng ngày “ thay da đổi thịt ”. Có được thành quả đó, là nhờ vào Xuất khẩu lao động.
Trước kia, những người dân nơi đây chịu thương chịu khó làm ăn, đầu tắt mặt tối chăm lo cho vài sào ruộng, vất vả là vậy mà cuộc sống cũng chỉ tạm đủ ăn. Họ sống trong những ngôi nhà ngói chật hẹp, có đủ cơm ăn, có tiền nuôi con cái ăn học đã là hạnh phúc lắm rồi. Được sống trong nhà tầng chỉ có trong mơ ước. Nhưng giờ đây, đến thôn Yên Hồng, khiến không ít người phải ngỡ ngàng. Bởi, sự đổi thay nhanh chóng ở làng quê này. Những ngôi nhà mái ngói lụp sụp, được thay thế bằng những những ngôi nhà cao tầng khang trang nối tiếp nhau. Thay bằng việc chăm lo đồng áng, họ thi nhau mua sắm vật liệu, xây dựng nhà cửa. Dọc con đường trải nhựa, đối diện với những bụi tre xanh ngắt, là những căn biệt thự xinh xắn, cổng nhà luôn rộng mở, người và xe ra vào nườm nượp, tiếng cười nói hòa lẫn tiếng nhạc rộn ràng. Chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyễn thị Thuận, ngôi nhà 3 tầng được anh chị xây cách đây vài năm. Với đầy đủ tiện nghi trong nhà như ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh, điều hòa, xe ga cùng với nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt hiên đại trong nhà. Để có được cơ ngơi như vậy, đó là nhờ vợ chồng chị đi xuất khẩu lao động. Năm 2004 với số vốn vay mượn của anh em, chị sang Đài Loan làm người giúp việc. Mới đầu, còn gặp một số khó khăn nhưng khi quen người, quen việc thì thu nhập của chị dần ổn định, với thu nhập khoảng 15000 Đài tệ/ tháng tính ra vào khoảng 7triệu tiền Việt thì sau một năm chị trả được hết nợ và có tiền gửi về nhà. Chị Thuận cho biết: Trước cuộc sống chỉ trông chờ vào vài sào ruông. Nhưng nhờ đi xuất khẩu lao động mà vật chất giàu lên, đời sống tinh thần được cải thiện.
Khi về nước, với lòng nhiệt tình tham gia đóng góp công sức cho quê hương chị xin vào làm tại ban Kế hoạch hóa gia đình của xã. Và hiện tại, chị đang theo học lớp trung cấp để nâng cao kiến thức.
Cách đó vài m là gia đình anh Đinh văn Thông. Cuộc sống trước đây của hai vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. Ra ở riêng với hai bàn tay trắng, phải bươn trải nhiều nghề để mưu sinh, nhưng, cái nghèo vẫn đeo bám. Từ khi đi xuất khẩu lao động cuộc sống của vợ chồng anh thay đổi rất nhiều. Xây được nhà tầng khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt cho gia đình. Trước đây, cả năm thu nhập của gia đình anh khoảng 10 đến 15 triệu đồng thì khi đi lao động nước ngoài số tiền thu nhập 1 tháng của anh bằng 1 năm thu nhập khi vợ chồng anh ở nhà trồng lúa. Không những xây nhà, trả nợ, mua đồ dung sinh hoạt đầy đủ mà gia đình anh con có điều kiện cho con cái học hành “ đến nơi đến trốn ’’.
Khác với gia đình anh Thông, anh Nguyễn văn Đề có hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Hai vợ chồng ở căn nhà một gian hai trái. Hằng ngày, vợ chồng anh phải thức khuya dậy sớm tranh thủ lo việc ruộng đồng, đến sang cả hai lại tất tưởi đi làm thuê cho các hộ lân cận, nhưng tiền công lại chẳng được bao nhiêu, lúc đó những hộ khá giả trong thôn chỉ tính trên đầu ngón tay. Đang tần tảo sớm tối làm ăn thì không may tai họa ập đến, vợ anh mất do mắc bệnh ung thư, bỏ lại anh và đúa con gái chưa đầy 2 tuổi. Bởi chữ “ nghèo ” không có tiền chữa bệnh cho vợ. Mong có người chăm lo con nhỏ, ít lâu sau anh quyết định đi bước nữa. Lúc đó thấy nhiều người khấm khá lên khi đi lao động nước ngoài, anh Đề bàn với vợ vay vốn để làm ăn. Ban đầu, vợ chồng anh còn ngại ngần, nhưng do cuộc sống túng bấn quá, anh hạ quyết tâm. Chỉ mới vài tháng sang Đài Loan lao động, anh Đề đã gửi về cho vợ 30 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, sắm sửa đồ dùng trong gia đình cũng như quần áo cho con cái ăn học, cuộc sống vì thế mà vơi đi cơ cực phần nào. Đến nay, sau gần chục năm sang Đài Loan lao động, gia đình anh có một ngôi nhà với đầy đủ tiên nghi hiện đại, và có tiền gửi ngân hàng. Đôi mắt Chị Dương thị Xuân – vợ anh Đề ánh lên niềm hạnh phúc, chị cho biết: Cuộc sống bây giờ ngày trước tôi chẳng dám mơ. Ngày mong kiếm đủ miếng cơm là thấy sương lắm rồi. May nhờ có anh ấy đi Xuất khẩu lao động nên bây giờ mới được như thế này.
Từ 5 năm trở lại đây, thôn Yên Hồng đi lao động nước ngoài rất nhiều. Toàn thôn có khoảng 200 hộ dân, thì số người đi xuất khẩu lao động chiếm khoảng gần 50%, chủ yếu là họ sang Đài Loan và Đảo Síp. Bởi, môi trường lao động ở đây khá tốt. Số người đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực tới nhiều mặt xã hội, nhận thức của người dân nâng lên, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đến tiếp nhận công nghệ sản suất tiên tiến, có tính kỉ luật cao. Thu nhập nhờ xuất khẩu lao động ổn định, không những đời sống của gia đình được cải thiện mà họ còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn, như: ủng hộ xây mới nhà văn hóa, nhà đa năng, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Ông Hoàng văn Triu – trưởng thôn Yên Hồng cho biết: Bộ mặt nông thôn của Yên Hồng so với các thôn có nhiều thay đổi. Thôn có nhiều nhà cao tầng, nguồn thu của thôn cao nhờ những người đi lao động nước ngoài.
Nhờ xuất khẩu lao động, mà bộ mặt nông thôn Yên Hồng có nhiều khởi sắc. Không còn cảnh chạy ăn từng bữa, không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân của các hộ cao góp phần vào việc nâng cao đời sống của người dân. Có thể nói, nếu thực hiện tốt chủ trương xuất khẩu lao động của Đảng, thì, việc đưa người dân đi nước ngoài lao động là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh./.