Thông tin về quyền Lợi của Lao Động Việt Nam xuất khẩu lao động sang Đài Loan
Áp dụng cho tất cả các công việc (Hộ lý, Giúp việc nhà, Công xưởng, Công nhân xây dựng và Đánh cá)
Các bạn quan tâm vấn đề nào vui lòng click vào xem mục đó do bài viết khá dài và chi tiết
Những Thông Tin Cần Biết Cho Nữ Lao Động Nước Ngoài
– Chủ của bạn không có quyền giữ thẻ cư trú, hộ chiếu, sổ ngân hàng hay con dấu sổ ngân hàng của bạn.
– Bạn cần mang theo các giấy tờ tùy thân này vào bất kỳ lúc nào bạn đi ra ngoài.
– Người lao động nhập cảnh Đài Loan lần đầu tiên, trong vòng 15 ngày phải đến văn phòng của Sở Di Dân địa phương để làm thẻ cư trú; quá hạn sẽ chịu mức phạt từ $2,000 – $10,000 Đài Tệ.
– Trong vòng 30 ngày trước khi hết hạn cư trú, bạn phải đến văn phòng của Sở Di Dân địa phương để xin gia hạn thẻ cư trú; quá hạn cư trú sẽ bị phạt từ $2,000 – $10,000 Đài Tệ, đồng thời có thể gia hạn trong vòng 30 ngày, không cần phải xuất cảnh.
– Các giấy tờ phải có khi đi gia hạn thẻ cư trú: hộ chiếu, thẻ cư trú, 2 tấm ảnh kích cở làm hộ chiếu, $1,000 Đài Tệ, giấy phép làm việc của Bộ Lao Động, và giấy chứng minh đang làm việc tại Đài Loan.
– Bạn cần phải giữ bảng lương, (bản hợp đồng và giấy cư trú) cho tới khi bạn nhận được tiền hồi thuế cuối cùng, vì đây là những bằng chứng quan trọng trong các trường hợp xảy ra tranh chấp về tiền tăng ca, tiền lương, tiền thuế hay các khoản bồi thường khác.
– Chủ thuê phải cung cấp cho bạn bảng lương viết bằng 2 thứ tiếng: tiếng Hoa và tiếng Việt.
– Bảng lương này phải viết rõ tất cả các khoản tiền lương và các khoản tiền khấu trừ.
– Nếu không có bảng lương, bạn phải gọi điện thoại ngay cho Cục Lao Động địa phương hoặc 1955 yêu cầu họ làm đơn đưa lên Cục Lao Động địa phương, bắt buộc chủ phải cung cấp bảng lương chi tiết cho mình.
– Tiền lương không thấp hơn mức lương căn bản: $19,273.
– Kể từ ngày 1.7.2015, tiền lương căn bản là $20,008 Đài Tệ.
– Bắt ép người lao động ký tên, đồng ý để giữ tiền tiết kiệm mỗi tháng là bất hợp pháp.
– Chỉ có thuế thu nhập, tiền ăn ở, bảo hiểm lao động và bảo hiểm y tế là những khoản tiền được phép trừ trên bảng lương.
– Sau khi chủ thuê lập tài khoản ngân hàng để gởi tiền tiết kiệm, bạn phải tự mình giữ con dấu và sổ tiết kiệm ngân hàng, con dấu và sổ tiết kiệm lúc nào cũng phải đi đôi với nhau mới có hiệu lực tại ngân hàng. Nếu bạn có làm thẻ rút tiền ATM, phải có mật mã riêng bạn mới có thể tự rút tiền được. Bạn cần yêu cầu ngân hàng đánh dấu vào ô để có thể xử dụng thẻ, sổ ngân hàng bất kỳ nơi nào ở ĐL. Ngoài ra bạn cũng yêu cầu chủ thuê khi đi làm sổ ngân hàng cho bạn, điền vào ô trong mẫu đơn về việc bạn có quyền được rút tiền trong tài khoản từ các chi nhánh của cùng 1 ngân hàng trên toàn lãnh thổ nước Đài Loan.
- Phí phục vụ môi giới tại Đài Loan:
Năm thứ nhất mỗi tháng là $1.800 Đài Tệ ; Năm 2 là $1.700 Đài Tệ; Năm 3 là $1.500 Đài Tệ. Sau 3 năm, nếu bạn trở lại làm việc cho chủ cũ ở Đài Loan, phí môi giới mỗi tháng chỉ là $1.500 Đài Tệ.
- Hợp Đồng Phí Phục Vụ giữa bạn với môi giới:
– Mẫu hợp đồng này được cung cấp bởi chính phủ Đài Loan.
– Bạn có quyền chấm dứt hợp đồng với môi giới. Khi bạn hủy hợp đồng không bị phạt tiền.
– Trên hợp đồng này, không có ghi các khoản thu phí phục vụ.
- Nếu chủ trừ phí môi giới từ lương của bạn là làm sai luật. Bạn tự mình trả phí dịch vụ này, và trước khi trả, nhớ yêu cầu công ty cung cấp biên lai thu phí.
- Môi giới không có quyền yêu cầu bạn ký vào hợp đồng mà trong đó bạn đồng ý cho họ trừ tiền của bạn. Nếu bạn đã ký bạn cần gọi cho Văn Phòng hay các tổ chức giúp đỡ công nhân lao động để được giúp đỡ.
- Đổi môi giới hoặc không có môi giới:
– Lao động nước ngoài có thể chấm dứt hợp đồng với công ty môi giới, đồng thời có thể tự mình ký hợp đồng mới với môi giới mới khác.
– Chấm dứt hợp đồng cần chú ý những điều sau đây:
- Bạn có phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm thỏa thuận hợp đồng không?
- Môi giới có đòi bạn bồi thường thiệt hại vì bạn hủy hợp đồng không?
- Nếu môi giới yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại, phải xem quy định bồi thường thiệt hại ghi trên hợp đồng, hoặc khả năng môi giới đưa ra chứng cớ thiệt hại khi hợp đồng chấm dứt.
- Trong lúc chấm dứt hợp đồng, bạn từ chối bồi thường bằng tiền mặt cho môi giới.
- Yêu cầu môi giới tìm đến cơ quan tố tụng dân sự để bạn giải quyết theo thủ tục pháp lý về bồi thường.
– Chủ thuê hoặc môi giới khi đổi chỗ ở của bạn, phải thông báo ngay cho Cục Lao Động địa phương. Nếu họ tự ý đổi chỗ ở (ví dụ: đưa bạn từ chỗ chủ thuê đến chỗ môi giới) của bạn là không hợp pháp.
– Sau khi đổi chỗ ở, bạn phải đến Văn Phòng Sở Di Dân để đổi địa chỉ trên thẻ cư trú. Nếu không, sẽ bị phạt từ $2,000 – $10,000 Đài Tệ. Người bị phạt có thể là chính bạn, nếu bạn tự ý đổi chỗ; người bị phạt là môi giới/chủ thuê, nếu là môi giới hoặc chủ thuê tự ý chuyển chỗ ở của bạn. Để chứng minh là môi giới/chủ thuê là người làm sai, bạn cần ghi âm hay thâu hình lúc bạn phản kháng, không chịu đổi chỗ ở. Bạn phải nói to và rõ ràng là “Tôi không muốn đi với anh/ chị.”
– Nếu bạn muốn chuyển ra ngoài thuê nhà ở, bạn cần thông báo cho Văn Phòng Sở Di Dân biết và được sự đồng ý của Bộ Lao Động.
– Nếu chưa hay không có sự đồng ý của Văn Phòng Sở Di Dân và Bộ Lao Động, bạn không được tự ý dọn ra ngoài ở.
Chính sách thuế mới, được áp dụng từ tháng 1 năm 2010:
1. Tỉ lệ thuế đối với lao động không thường trú: Trong 1 năm, nếu bạn cư trú ở Đài Loan dưới 183 ngày, bạn không được liệt kê vào diện thường trú. Tiền thuế của bạn đóng dưới dạng không thường trú, Sở Thuế sẽ không hoàn thuế cho bạn vào năm sau. Trước ngày 30/6/2015, nếu tiền lương tháng của bạn dưới $28,909.5 Đài Tệ, bạn sẽ bị trừ 6% tiền thuế. Nếu tiền lương trên $28,909.5 Đài Tệ, tiền thuế phải đóng là 18%.
Chú ý:
Nếu bạn làm việc 3 ngày nghỉ 1 ngày (làm theo ca 12 tiếng nhưng có 2 tiếng nghỉ), bạn có thể chỉ cần tăng ca 5 ngày trong 1 tháng với mức lương tổng cộng dưới $28,909.5 Đài Tệ. Nếu bạn tăng ca nhiều hơn, tiền thuế của bạn sẽ là 18%, như vậy tiền lương của bạn nhận được sẽ ít hơn!
2. Tỉ lệ thuế đối với diện thường trú: Trong 1 năm, nếu bạn ở Đài Loan hơn 183 ngày, bạn được xem là người thường trú và đóng 6% thuế.
3. Lần thứ hai tới Đài Loan:
Khi bạn rời Đài Loan và trở lại lần 2 vào năm khác, bạn cũng phải bị tính thuế theo quy định thường trú hoặc không thường trú như đã trình bày ở trên. Ví dụ : Khi bạn rời Đài Loan và trở lại lần 2 cùng năm. Bạn cộng số ngày mà bạn ở Đài Loan của 2 lần lại, nếu đủ 183 ngày bạn nộp thuế theo dạng thường trú. Còn nếu không đủ 183 ngày bạn nộp thuế theo dạng không thường trú.
4.Tiền ăn: Tiền ăn của bạn được miễn thuế là $1.800 Đài Tệ.
5.Báo thuế và hoàn thuế: Môi giới có nhiệm vụ báo thuế cho bạn vào mỗi tháng 5 của mỗi năm và trước khi bạn về nước. Nếu trong phiếu báo thuế của bạn chỉ ra tiền thuế bị trừ từ lương của bạn cao hơn mức thuế phải đóng, bạn sẽ được hoàn thuế sau 6 tháng (thường từ tháng 8 cùng năm hay tháng 1 năm sau).
6.Hồi thuế: Nếu trong vòng 1 năm sau khi đã về nước mà bạn vẫn chưa nhận được tiền hồi thuế, bạn có thể viết đơn đến Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Cô Dâu Việt Nam (VMWBO), HWC, hoặc HMISC. Nhớ viết rõ họ tên, địa chỉ, số tài khoản, ngày sinh, số hộ chiếu, ngày tới Đài Loan và ngày về nước. Đồng thời cũng viết tên, số điện thoại, địa chỉ của chủ và môi giới.
Nếu bạn muốn nhờ Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Cô Dâu Việt Nam (VMWBO), HWC, hoặc HMISC thông qua cục thuế kiểm tra xem số tiền hồi thuế của bạn là bao nhiêu, bạn phải gửi cho chúng tôi bản sao hộ chiếu, bản sao thẻ cư trú và giấy ủy quyền của bạn.
Có 4 điều sau đây người lao động cần nhớ liên quan đến tiền thuế:
Đóng thuế:
Tất cả lao động nước ngoài đến Đài Loan làm việc đều phải đóng thuế.
Những lao động đến Đài Loan làm việc dưới 183 ngày trong 1 năm, khoảng tiền thuế đã đóng sẽ không được hoàn trả vào dịp hoàn thuế vào năm sau. Nghĩa là những lao động này phải đến Đài Loan trước ngày 1/7 trong năm.
Những lao động đến Đài Loan làm việc trên 183 ngày trong 1 năm, tiền thuế của họ sẽ được hoàn trả lại trong lần trả thuế vào năm sau. Thời gian trả lại thuế tùy theo Sở Thuế tại địa phương ; có thể từ tháng 5 đến tháng 10 năm sau.
Môi giới hoặc chủ thuê không có quyền khấu trừ trước tiền thuế thu nhập đối với lao động giúp việc nhà.
Số tiền hồi thuế:
Bạn có quyền đến Sở Thuế để hỏi về số tiền hồi thuế mỗi năm của mình. Khi đến Sở Thuế, bạn mang theo Hộ Chiếu và Thẻ Cư Trú. Đến nơi, bạn trình giấy tờ và nói bạn muốn kiểm tra tiền hồi thuế của bạn. Nhân viên Sở Thuế sẽ giúp bạn tận tình.
Ngăn Chặn Khấu Trừ Thuế :
Đừng đồng ý cho chủ trừ 18% trên tổng tiền lương, nếu tổng thu nhập của bạn dưới $28,909.5 Đài Tệ trước ngày 30/6/2015. Sau ngày 1/7/2015, là $30,012 Đài Tệ.
Ngăn Chặn Khấu Trừ Thuế :
Đừng đồng ý cho chủ trừ 18% trên tổng tiền lương, nếu tổng thu nhập của bạn dưới $28,910Đài Tệ trước ngày 30/6/2015 và $30,012 Đài Tệ sau ngày 1/7/2015.
– Chủ thuê có nhiệm vụ đăng ký bảo hiểm y tế cho bạn, và chủ không có quyền giữ thẻ bảo hiểm y tế của bạn. Tiền bảo hiểm y tế mỗi tháng đều trừ vào lương của bạn và viết rõ trên bảng lương.
– Người lao động nước ngoài trong lĩnh vực chăm sóc gia đình chỉ được hưởng bảo hiểm y tế, không có bảo hiểm lao động.
– Môi giới phải đưa bạn đi khám sức khỏe tại bệnh viện do Sở Vệ Sinh của Bộ Lao Động chỉ định. Lần 1 trong vòng 3 ngày sau khi đến Đài Loan; lần 2 sau khi đến Đài Loan được 6 tháng; lần 3 sau khi đến Đài Loan được 18 tháng và lần 4 sau khi đến được 30 tháng (trước hoặc sau 30 ngày đến hạn). Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe, trong vòng 15 ngày, bạn phải nộp các loại giấy tờ như sau: giấy phép lao động, báo cáo kiểm tra sức khỏe, danh sách lao động nước ngoài, giấy khám sức khỏe đợt.
– Nếu bạn không kiểm tra sức khỏe định kỳ, chính phủ sẽ thu hồi giấy phép lao động, xóa bỏ tư cách làm việc của bạn ở Đài Loan.
– Bệnh viêm gan B và sốt rét chỉ cần kiểm tra trước và sau khi bạn đến Đài Loan. Bạn không cần kiểm tra lại trong suốt các kỳ khám sức khỏe khác.
– HIV/ Aids, lao phổi, giun sán và bệnh proges-salmon sẽ được kiểm tra trong tất cả các lần khám sức khỏe.
– Nếu bạn mắc phải 1 trong những bệnh trên, bạn có quyền yêu cầu được đi khám lại ở bệnh viện chuyên trị các bệnh đó.
– Nếu bạn bị bệnh lao phổi, bạn phải bị cách ly và được chữa trị trong vòng 6 tháng ở ĐL. Trong trường hợp công ty môi giới làm thủ tục đưa bạn về nước, bạn có quyền từ chối để được ở lại Đài Loan uống thuốc chữa trị. Đối với bệnh lao phổi không lây, sau khi chữa trị xong và có kết quả khám nghiệm của bác sĩ, bạn có quyền tiếp tục xin được đổi chủ và đi làm cho hết hợp đồng lao động còn lại của bạn.
– Khi kết quả xét nghiệm của bạn có giun sán, bạn được ở lại Đài Loan 45 ngày để uống thuốc, sau đó nếu sạch giun, thì bạn không phải về nước.
– Đối với bệnh HIV/Aids, bạn không bị trả về nước. Bạn có quyền ở lại Đài Loan để chữa trị. Tuy nhiên toàn bộ chi phí chữa trị bạn phải tự lo liệu.
Những Thông Tin Cần Biết Cho Nữ Lao Động Nước Ngoài
– Nữ công nhân nước ngoài có thai tại Đài Loan sẽ không phải bị trả về nước. Chủ thuê và môi giới không có quyền ép buộc bạn về nước vì lý do mang thai.
– Việc kiểm tra có thai chỉ được làm trước và sau khi đến Đài Loan, không bao gồm trong các lần kiểm tra sức khỏe khác. Nếu bạn bị môi giới hay chủ thuê yêu cầu tiếp tục kiểm tra về việc có thai mà không có sự đồng ý của bạn là bất hợp pháp.
– Nếu bạn là nữ công nhân hợp pháp, khi mang thai, luật lao động Đài Loan cho phép bạn chuyển đổi sang một công việc nhẹ nhàng hơn, được quyền nghỉ dưỡng thai và có quyền được hưởng 8 tuần lương nghỉ phép sau khi sinh con theo luật pháp Đài Loan quy định.
– Nếu chủ thuê muốn chấm dứt hợp đồng với bạn và được bạn đồng ý, họ phải trả cho bạn tiền nghỉ việc (thường 1 năm làm việc được trả 1 tháng lương) và trả tiền vé máy bay.
– Vì an toàn cho bạn và thai nhi, các hãng máy bay sẽ không cho bạn lên máy bay khi bạn đã có thai hơn 6 tháng.
Ngày nghỉ trong thời kỳ hành kinh: Phụ nữ được nghỉ 1 ngày/tháng trong thời kỳ hành kinh, không cần giấy phép: 3 lần đầu của năm sẽ bị trừ lương của một ngày làm việc, 9 lần sau bị trừ ½ số lương của ngày làm việc.
– Khi bị tấn công tình dục: Để có chứng cứ kiện người tấn công tình dục, bạn phải nói thành tiếng “Tôi không muốn”.
– Khi bị tấn công tình dục, bạn phải gọi điện thoại báo ngay cho Đường Dây Nóng 1955, cho cảnh sát 009, cho 110 Đường Dây Chống Xâm Phạm Tình Dục, hoặc Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Việt Nam 03- 217 0468 hay 0922-641-743.
– Công việc ban đêm: bạn phải được chủ thuê đảm bảo an toàn khi làm việc ban đêm; chủ phải cung cấp nhà vệ sinh an toàn cho bạn sử dụng; phải có phương tiện giao thông an toàn cho bạn về đến nơi ở và lại làm việc ban đêm. Thời gian quy định từ 10 giờ đêm tới 6 giờ sáng ngày hôm sau.
– Sau khi bị xác nhận là nạn nhân bị tấn công tình dục, bạn sẽ được chính phủ ĐL sắp xếp cho tạm trú tại 1 nơi an toàn. Trong thời gian chờ vụ án giải quyết, bạn sẽ được cho phép được kiếm việc làm tự do ở bên ngoài.
Thời Gian Làm Việc Nhiều Nhất cho Lao Động là 12 Năm:
– Khi đã mãn một hợp đồng và chủ cũ muốn nhận lại bạn, bạn nên yêu cầu họ làm hợp đồng trực tiếp (không qua môi giới, không phải trả phí môi giới mỗi tháng) nhất là đối với hợp đồng giúp việc nhà và hộ lý. Bạn có thể liên lạc với Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Cô Dâu Việt Nam (VMWBO), Trung Tâm Hy Vọng (HWC), hoặc HMISC hay để biết thêm chi tiết.
– Hiện nay, Bộ Lao Động đang đề nghị thay đổi luật về việc không bắt buộc lao động nước ngoài phải rời khỏi nước sau thời hạn 3 năm làm việc. Chúng tôi sẽ thông báo kịp thời đến các bạn khi luật mới được thông qua tại Quốc Hội Đài Loan.
1. Bạn có thể được đổi chủ sau khi Bộ Lao Động hủy bỏ quyền thuê mướn của chủ, và bạn được Bộ Lao Động cho phép đổi chủ. Các lý do đổi chủ hợp pháp bao gồm:
– Người mà bạn chăm sóc qua đời (chủ phải báo cho Bộ Lao Động trong vòng 30 ngày).
– Chủ thuê đi định cư ở nước khác.
– Chủ thuê bị phá sản, hoặc cắt giảm công nhân.
– Bạn bị tấn công tình dục, bị ngược đãi về thân thể và tinh thần. Trong mọi trường hợp bạn đều phải có bằng chứng cụ thể như ghi âm, giấy chứng thương, v.v…
– Chủ không trả lương theo hợp đồng, hay gây áp lực trên quyền lợi khác của bạn.
– Bạn bị ép làm việc bất hợp pháp, hay làm cho chủ bất hợp pháp. Bằng chứng của những việc này cần phải qua sự kiểm tra của thanh tra chính phủ.
– Ngoài ra, đối với người lao động nước ngoài làm việc trên các tàu đánh cá, nếu thuyền bị hư hỏng, bạn có thể đổi chủ. Đối với người lao động nước ngoài làm việc trong các công xưởng, bạn có thể đổi chủ khi công xưởng không có việc làm cho bạn; chủ thuê chửi bạn không tốt; chủ thuê làm bạn bị thương, qua phán xét của tòa án, chủ thuê có tội, bạn được quyền đổi chủ; chủ thuê giao công việc có hại cho sức khỏe của bạn, bạn cần chứng minh của bác sĩ; chủ thuê có bệnh gây ảnh hưởng tới bạn, cũng cần có chứng minh của bác sĩ; chủ thuê là người vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn, bạn có thể đổi chủ.
– Nếu bạn bị bắt ép làm công việc bất hợp pháp, hay làm cho chủ khác (không phải chủ ghi trên hợp đồng).
- Khi đổi chủ, chủ mới của bạn phải được Bộ Lao Động cấp giấy phép thuê bạn.
Nếu bạn đã được Bộ Lao Động cho phép đổi chủ, bạn có thể đăng ký tại Trung Tâm Xúc Tiến Việc Làm ở tỉnh hay thành phố mà bạn chọn (thường môi giới làm việc này cho bạn). Thời gian tìm chủ mới của bạn là 60 ngày. Trong những trường hợp đặc biệt hoặc bạn làm việc tại Đài Loan chưa tròn 1 năm, bạn có thể xin gia hạn thêm 60 ngày nữa. Bạn cần yêu cầu chủ thuê, môi giới hay Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam giúp bạn viết công văn xin gia hạn đổi chủ lần 2. Sau khi đổi chủ lần 2, nếu không có chủ nào nhận, trong vòng 15 ngày bạn phải về nước.
- Phụ nữ không thể bị đổi sang làm việc của nam. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, cần gọi điện thoại đến Văn Phòng (VMWBO), Trung Tâm Hy Vọng (HWC), hay HMISC.
- Bạn có quyền xin tạm trú tại Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam (VMWBO), Trung Tâm Hy Vọng (HWC), hay HMISC trong thời gian chờ đổi chủ.
Chủ không thể cho bạn về nước với những lý do không hợp pháp.
Những lý do hợp pháp là:
– Thoá mạ hay dùng bạo lực phản kháng chủ hoặc đồng nghiệp.
– Vi phạm luật lao động hay hợp đồng (thí dụ như quy định mà chủ đưa ra dựa trên luật lao động của chính phủ, chứ không phải những luật do chủ tự đặt ra bất chấp luật lao động).
– Cố ý phá hoại tài sản hay tiết lộ thông tin mật công ty của chủ.
– Vắng mặt liên tục 3 ngày không lý do, hay nghỉ 6 ngày trong vòng 1 tháng.
– Mất khả năng làm việc.
– Bị tòa án xét có tội và bị án tù.
– Làm việc bất hợp pháp cho chủ khác.
– Hết hạn hợp đồng.
– Lao động không đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đi khám sức khỏe dùng mẫu kiểm tra của người khác (như máu, phân, nước tiểu…) thay cho mẫu của mình.
– Lao động lấy giấy tờ giả cung cấp cho Chính Phủ Đài Loan.
– Tình trạng sức khỏe của người lao động không cho phép hoặc cơ thể bị thiếu đi một số bộ phận do tai nạn mà người lao động tự mình gây nên mà không thể làm việc.
1. Đừng tự nguyện ký đơn thôi việc!!!
2. Gọi điện thoại đến Văn Phòng (VMWWBO), Trung Tâm Hy Vọng (HWC), hay HMISC nhờ giúp đỡ. Môi giới không có quyền ngăn chặn bạn tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc ép bạn ra sân bay.
3. Bạn từ chối rời khỏi ký túc xá hay nhà chủ.
4. Trong trường hợp môi giới hay chủ thuê chở bạn đến sân bay, bạn đừng đăng ký chuyển hành lý, và nói với cảnh sát rằng bạn cần sự giúp đỡ của Trung Tâm Phục Vụ Lao Động ở sân bay (số điện thoại nằm ở mục cuối cùng của sổ tay). Bạn có thể ngồi lì xuống ngay sân bay, xé vé máy bay và kêu lớn tiếng nhờ cảnh sát, hay những người chung quanh giúp đỡ.
5. Bạn chạy trốn đi tìm sự giúp đỡ khi bị ngược đãi hay bị hăm dọa. Trong trường hợp này bạn sẽ không bị cho là bỏ trốn.
Từ tháng 10 – 2006, Bộ Lao Động thực hiện Chính sách yêu cầu lao động nước ngoài, trước khi về nước phải đến Cục Lao Động địa phương để nghiệm chứng có phải bạn tự nguyện về nước hay không? Chủ và môi giới không có quyền tự ý đưa người lao động về nước. Vì vậy khi ra cục lao động để nghiệm chứng, bạn phải nói với cục lao động là: “Tôi không đồng ý về nước”
Tôi phải làm gì khi chủ gọi cảnh sát?
– Cảnh sát không có quyền can dự vào các vấn đề về người lao động, và không có quyền ép buộc hay áp tải bạn đến sân bay, trừ khi bạn bỏ trốn hay ngoan cố phạm pháp.
– Nói cho cảnh sát biết rằng bạn đang bị ép về nước bất hợp pháp. Và bạn đang cần sự giúp đỡ của Bộ Lao Động.
– Nếu cảnh sát không quan tâm đến những yêu cầu của bạn, viết lại mã số trên áo của người cảnh sát, để làm bằng chứng sau này khi đối chứng với các cơ quan liên hệ liên quan đến việc cảnh sát không giúp bạn. Bạn có thể phải đồng ý tới sở cảnh sát, nhưng bạn cần từ chối đến sân bay.
*Khi bạn bị ép buộc thôi việc 14 ngày trước khi hết hạn Hợp Đồng Lao Động, bạn có thể bị chủ thuê hay môi giới ép ký tên vào văn bản tự nguyện về nước. Nếu bạn không đồng ý, bạn điện thoại cho 1955, yêu cầu chuyển hồ sơ thưa kiện của bạn đến Cục Lao Động địa phương, nơi bạn đang làm việc. Cục Lao Động địa phương sẽ mở 1 phiên họp để giải quyết việc đơn chủ phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
*Nếu người lao động không ký giấy đồng ý về nước mà chủ thuê vẫn đưa người lao động về nước, người lao động phải nói rõ thành tiếng “Tôi muốn kiện chủ thuê”, chủ thuê sẽ bị phạt và chịu hoàn toàn trách nhiệm (người lao động nên ghi âm các đoạn hội thoại trên đường bị đưa đi đến Cục Lao Động).
* Tại Cục Lao Động địa phương, bạn cần giữ sự bình tỉnh. Nếu sự hiện diện của chủ thuê hay môi giới làm cho bạn sợ, bạn yêu cầu nhân viên của Cục Lao Động yêu cầu họ ra ngoài để giảm bớt áp lực. Sau đó bạn trình bày cho nhân viên Cục Lao Động biết là bạn không muốn tự nguyện về nước trước hạn hợp đồng. Ngoài ra, bạn có quyền yêu cầu nhân viên Cục Lao Động giải thích thêm cho bạn về những quyền lợi khác của bạn liên quan đến việc chuyển chủ, tiền bồi thường, v.v…
Bạn Không Nên Bỏ Trốn, Bất hợp Pháp vì:
– Bạn sẽ không được luật lao động bảo vệ, không bảo hiểm lao động, y tế.
– Điều kiện sống và làm việc không bảo đảm an toàn và thường bị trả lương thấp.
– Kết quả của việc chạy trốn là thường bị lợi dụng và phải làm việc ở môi trường và điều kiện làm việc tồi tệ.
*Ghi chú: Hơn nữa, theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định. Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở Đài Loan thời hạn là 5 năm trở lên. Nghị định này có hiệu lực thi hành kề từ ngày 10/10/2013.
Bạn có thể liên lạc với Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam (VMWBO), Trung Tâm Hy Vọng (HWC) hay HMISC để được tư vấn.
– Nếu bạn đã là người bất hợp pháp, bạn muốn đầu thú, chúng tôi có thể giúp bạn!
Chính sách mới, từ 24 /1/ 2011 – Tất cả những người đầu thú về nước mà không có tiền án, chỉ cần chuẩn bị tiền phạt nhiều nhất $10.000 Đài Tệ, hộ chiếu hoặc giấy thông hành hợp lệ và vé máy bay (bạn có thể tự mua vé). Sau đó bạn đến Văn Phòng Sở Di Dân địa phương làm các thủ tục quy định. Nhân viên Sở Di Dân sẽ thông báo cho bạn biết những việc phải làm.
Quyền Hạn Trong Thời Gian Tạm Giam:
– Bạn có quyền được cung cấp thức ăn và thuốc khi bị bệnh.
– Bạn được gọi điện thoại cho gia đình thân nhân hay bạn bè. Khi cần, bạn có thể yêu cầu được tư vấn tâm lý.
“Tôi không dám khiếu nại vì sợ bị đưa về nước”
Khi chủ và môi giới vi phạm quy định của Bộ Lao Động và Luật lao động, nhiều người lao động đã sợ bị đưa về nước nên không dám khiếu nại. Vì về nước đối với họ đồng nghĩa với việc không có tiền trả nợ. Từ đó có thể thấy khiếu nại hay trực tiếp đặt vấn đề với chủ là đối với họ là mạo hiểm. Vì thế bạn cần phải lên kế hoạch cẩn thận về những đối sách cần dùng để đòi lại sự công bằng. Chúng tôi mạnh dạn khuyên bạn nên gọi tới Văn Phòng (VMWBO), Trung Tâm Hy Vọng (HWC), hay HMISC kể rõ những khúc mắc của bạn. Cùng nhau chúng ta có thể đánh giá những khó khăn tiềm ẩn, và tìm ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của bạn. Theo kinh nghiệm của chúng ta, mỗi lần khiếu nại là một lần đi vào một cuộc mạo hiểm khác nhau tùy theo từng cấp độ:
– Các trường hợp ít mạo hiểm: Hồi thuế; Thu tiền ăn ở cao hơn quy định; Tai nạn nghề nghiệp. Đừng ngại đi tìm nơi giúp đỡ khi bạn gặp phải các vấn đề này.
– Các trường hợp mạo hiểm ở mức độ trung bình: Môi giới Đài Loan thu phí vượt quy định; Khấu trừ thuế; Những luật lệ bất hợp lý ở công xưởng và ký túc xá; Chất lượng ăn và ở; các bạn sẽ được an toàn hơn khi tập hợp được tiếng nói của tập thể.
– Các trường hợp mạo hiểm cao: Tất cả các trường hợp có liên quan tới việc chủ phải trả tiền như: lương, tiền tăng ca; trừ tiền bất hợp pháp; nghỉ lễ. Chủ thuê luôn cố gắng cắt giảm các khoản tiền này. Đối sách khả thi là: hoặc là liên kết tất cả những anh chị em lao động lại, hoặc chờ tới khi còn lại 3 tháng trước khi kết thúc hợp đồng mới lên tiếng đòi lại quyền lợi. Nhớ thu thập và giữ lấy tất cả các bảng lương và chứng từ có liên quan đến các vấn đề vừa nêu.
Những bất cập trong Hợp Đồng Lao Động của Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam cần biết:
- 3 bản cảnh cáo phải về nước: Chỉ bị 3 tờ cảnh cáo thì chưa đủ yếu tố để chủ thuê bắt người lao động về nước. Phải thực hiện đúng quy định của Luật Lao Động Căn Bản Đài Loan Điều 12, khoản 3, 4. Nghĩa là hành vi vi phạm của người lao động nghiêm trọng như a) tiết lộ bí mật công ty; b) cố ý phá hoại tài sản sản xuất của chủ thuê; c) những tội hình sự vi phạm luật pháp Đài Loan.
- 40 ngày thử việc lao động: Thời gian thử việc trong Hợp Đồng Lao Động của Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam không có giá trị đối với Luật Lao Động Đài Loan.
Bộ Lao Động (BLĐ) Là Cơ Quan Nào?
Bộ Lao Động (BLĐ) là 1Bộ trong chính phủ trung ương của nước Đài Loan. BLĐ đề ra những quy định về thuê mướn và quản lý lao động nước ngoài. Phải qua sự cho phép của BLĐ các chủ thuê mới có thể thuê mướn công nhân nước ngoài một cách hợp pháp. Tất cả các trường hợp cần đổi chủ đều phải có sự đồng ý của BLĐ. BLĐ cũng là nơi cấp phép hành nghề cho môi giới. Vì vậy những ý kiến phản đối môi giới cần phải gửi trực tiếp tới BLĐ.
BLA Là Cơ Quan Nào ?
BLA (Bureau of Labor Affairs) Tiếng Việt có nghĩa là Cục Lao Động (CLĐ):
Đây là các cơ quan chính phủ đại diện cho BLĐ ở mỗi địa phương hay mỗi thành phố. Cơ quan này phục vụ và tư vấn lao động di trú, còn gọi là lao động nước ngoài. Những nhân viên được tuyển dụng làm việc ở đây phải nói được tiếng Anh hay tiếng địa phương của một nhóm lao động di trú tại Đài Loan. CLĐ có nhiệm vụ xử lý các tranh chấp giữa lao động nước ngoài và chủ thuê ở địa phương. Những khiếu nại về sử dụng lao động và môi giới có thể đưa đến CLĐ. CLĐ còn có nhiệm vụ kiểm tra xem chủ thuê có thực hiện các quy định của BLĐ hay không. Chỉ có CLĐ địa phương mới có thể giải quyết các tranh chấp lao động của bạn.
Văn Phòng Phục Vụ của Bộ Lao Động Tại Sân Bay Đào Viên:
Tiếng Việt: 0800- 017858
Tếng Anh: 03-3989002 ; 03- 3983976
Tiếng Indonesia: 0800- 885958
Tiếng Thái: 0800- 885995
Đường Dây Nóng Của Bộ Lao Động Phục Vụ 24/24
Đường dây nóng miễn phí số 1955 phục vụ và tư vấn 24 giờ, 365 ngày với các loại ngôn ngữ như Anh,Việt, Thái và Indonesia
Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam Tại Đài Bắc
(台北越南經濟文化辦事處) Số 65, Tầng 3, Đường Tùng Giang ( 台北市松江路65號3樓 )
Tel. : (02) 25043477; (02)25166626
HWC, HMISC & VMWBO Là Những Cơ Quan Nào ?
Chúng tôi là những tổ chức công giáo phục vụ người di dân thuộc địa phận Tân Trúc. Nhân viên của chúng tôi đến từ các quốc gia Đài Loan, Việt Nam, Indonesia Thái Lan, Philippines. Chúng tôi huấn luyện di dân hiểu về quyền lợi của họ. Yêu cầu chính phủ đối xử công bằng trong việc thuê mướn lao động, cải thiện đời sống và điều kiện làm việc cho người di dân, và giúp đỡ họ trong những lúc gặp khó khăn. Nếu các bạn gặp khó khăn, bạn có thể nói rõ với chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp các bạn thương lượng với chủ và môi giới, đồng thời giúp phản ảnh các vấn đề của bạn tới Cục Lao Động, Bộ Lao Động, hay tòa án. Nếu được sự cho phép của tòa án, chúng tôi có thể giúp phiên dịch cho phiên toà của bạn. Chúng tôi sẵn sàng phục vụ các bạn miễn phí! ! !
Các Tổ Chức Phi Chính Phủ Công Giáo Giúp Đỡ Công Nhân Nước Ngoài Khác:
Đài Bắc:
- Nhóm Quan Tâm Công Nhân Nước Ngoài (MWCD) (02) 2389-5247
- Hiệp Hội Công Nhân Quốc Tế Đài Loan (TIWA) (02) 2595-6858
Trang Hoa:
- Trung Tâm Trợ Giúp Di Dân (04) 720-0741
Cao Hùng:
- Trung Tâm Stella Maris (07) 532-2522
- Trung Tâm Trợ Giúp Lao Động (07) 366-2373
NGUỒN THÔNG TIN VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
================================
ĐÀO VIÊN – VĂN PHÒNG GIÚP ĐỠ CÔNG NHÂN VÀ CÔ DÂU (VMWBO)
Địa chỉ: 116 Zhong Hua Rd., Bade City 334
(334八德市中華路116號)
Điện thoại: 03-2170 468, Fax (03) 379- 8171
TRUNG TÂM CÔNG NHÂN HY VỌNG (HWC)
Địa chỉ: 3F, 65 Chang-Chiang Rd., Chungli City 320 (320中壢市長江路65號3樓)
Điện thoại: (03) 425-5416; (03) 422- 7075; Fax: (03) 427-1092
Giờ phục vụ: Từ 9 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều hàng ngày.
Email: hwc.hope@gmail.com
Website: www.tw.migraĐT-workers.org
TRUNG TÂM PHỤC VỤ LAO ĐỘNG & CÔ DÂU
GIÁO PHẬN TÂN TRÚC (HMISC)
Địa chỉ: 81 Shuei Yuan St..Hsinchu City 30069 (30069新竹市水源街81號)
Điện thoại: (03) 573-5375; (03) 573-5387; Fax: (03) 573- 5377
Giờ phục vụ: Từ thứ 2 đến thứ 6: Từ 9 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều. Chủ nhật: Từ 1 giờ chiều đến 5 giờ 30 phút chiều. Email: hmisc_tw@yahoo.com
Now 2014 edition