Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội từ năm 2016 đến nay, tỉnh Gia Lai có 1.735 người đi xuất khẩu lao động ở một số nước, như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Đài Loan, Lào và Campuchia. Qua báo cáo cho thấy, nhiều lao động đi xuất khẩu lao động có thu nhập cao, giúp người lao động cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Gia Lai
Xuất khẩu lao động được đánh giá là kênh việc làm giúp người lao động tăng thu nhập hơn so với lao động trong nước; tuy nhiên hiện nay tại nhiều địa phương trên cả nước, tỷ lệ đi xuất khẩu lao động vẫn còn khá thấp trong tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm.
Riêng tại Gia Lai, trong tổng số 24.670 lao động được giải quyết việc làm trong năm 2016 thì chỉ có 1.314 người đi xuất khẩu lao động, chiếm tỷ lệ 5,3% và chủ yếu là ở thị trường Malaysia, còn thị trường Nhật Bản thì ít hơn bởi yêu cầu đặt ra khắt khe hơn; trong đó 2 nguyên nhân chính là trình độ học vấn và chi phí bỏ ra ban đầu khi đi xuất khẩu lao động khá cao. Theo định hướng chung của Việt Nam trong chiến lược việc làm giai đoạn 2011-2020 là tạo việc làm với thu nhập đảm bảo cuộc sống (tức là mức thu nhập ít nhất của người lao động phải trên chuẩn nghèo), thì Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động phải gắn với quy hoạch kinh tế-xã hội, các chương trình phát triển kinh tế, ngành nghề cũng như định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương .
Song song với việc tuyên truyền tỉnh còn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (không phải là hộ nghèo) đi xuất khẩu lao động với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người, lãi suất bằng lãi suất cho vay theo chương trình đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Những hộ nghèo tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được tỉnh trích kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương với mức 200.000 đồng/ha/năm, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Tỉnh cũng tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển, thu hút lao động tại chỗ, phấn đấu hàng năm giải quyết từ 2.000 – 3.000 lao động thuộc hộ nghèo có việc làm ổn định. Gia Lai còn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, ưu tiên cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số, phấn đấu mỗi năm có trên 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, quan tâm xuất khẩu lao động đã qua đào tạo, có tay nghề (chiếm ít nhất 30%) để có thu nhập cao.
II. Gia Lai cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng XKLD
Chiều 27-4, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động năm 2017. Các sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, 17 Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và đại diện một số công ty xuất khẩu lao động, thân nhân gia đình có con đi xuất khẩu lao động tham dự hội nghị.
Tại hội nghị nhiều ý kiến của đại biểu cũng nêu rõ công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần giải quyết, như: công tác tuyên truyền vận động, tư vấn xuất khẩu lao động chưa đa dạng phong phú, chính quyền các cấp ở một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động. Một số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc triển khai tuyên truyền, tư vấn người lao động tham gia xuất khẩu lao động. Mặt khác số lượng lao động tham gia xuất khẩu đạt thấp so với chỉ tiêu tỉnh giao.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị: Thời gian tới để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động. Giao chỉ tiêu và phân bổ kinh phí cụ thể về xuất khẩu lao động cho mỗi địa phương. Tập trung tuyển chọn lao động có đủ điều kiện, có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; đồng thời nêu gương điển hình các cá nhân đã từng tham gia xuất khẩu lao động có hiệu quả để tạo động lực cho người lao động ổn định tư tưởng và an tâm khi tham gia xuất khẩu lao động. Hơn nữa, việc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động còn là việc làm quan trọng, góp phần hoàn thành các tiêu chí về chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
[table “16” not found /]