Trong năm 2016, Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động với gần 13.000 người. Với con số này, Nghệ An tiếp tục đứng đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động. Đến nay, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc tại nước ngoài khoảng 61.000 người. Nguồn thu nhập do lực lượng này chuyển về hàng năm ước đạt 255 triệu USD. “Đó là chưa tính những khoản tiền gửi về chuyển tay hoặc bằng những con đường không chính thức khác. Đây cũng chính là những khoản thu đáng kể trong việc giảm nghèo bền vững, giúp ổn định đời sống người dân.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Nghệ An
Tỉnh Nghệ An có dân số đứng thứ 4 cả nước (dân số cả tỉnh có trên 3.022.300 người), quy mô lao động lớn, tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào là một lợi thế lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Mặt khác, quy mô dân số đông, lao động lớn đang tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Mặc dù thời gian qua, công tác giải quyết việc làm đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp, các ngành từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã và các cơ sở xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp tạo việc làm hiệu quả như phát triển các làng nghề thủ công, xây dựng và mở rộng khu công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động sau khi thu hồi đất…, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển xã hội, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người lao động, nhất là thiếu việc làm đối với người lao động đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Lao động thiếu việc làm đã dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy xuất khẩu lao động có vai trò rất quan trọng đối với Nghệ An, là một trong những biện pháp hữu hiệu đã và đang được Nghệ An đẩy mạnh ở hiện tại và tương lai.
Trong giai đoạn 2014 – 2015, Nghệ An đưa được 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng và lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 100 lao động đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.
Kết quả thực hiện Chương trình việc làm giai đoạn 2010– 2015, đến nay toàn tỉnh đã tạo việc làm cho từ 35.000 – 37.000 lao động; trong đó: xuất khẩu lao động đạt bình quân mỗi năm từ 12.000 – 13.000 người lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước (chiếm trên 1/3 số lao động giải quyết việc làm hàng năm) đưa tổng số lao động Nghệ An đang làm việc tại các nước lên hơn 55.000 người, chiếm gần 32%; Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị xuống 2,8%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên 85%, góp phần tích cực để giảm sức ép về việc làm ở địa phương trong thời gian qua, giảm được tỷ lệ thất nghiệp ở địa phương. Ngoài số lao động xuất khẩu theo con đường “chính ngạch” có nghĩa là theo ký kết giữa các tổ chức Việt Nam với các tổ chức nước ngoài, thì ở Nghệ An còn có một số lượng không nhỏ lao động được xuất khẩu theo dạng “tiểu ngạch” và hình thức này cũng đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đại phương.
So với thu nhập của người lao động cùng ngành nghề và trình độ trong nước thì thu nhập của lao động xuất khẩu Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cao hơn 2 – 4 lần. Ví dụ năm 2005, thu nhập trung bình của lao động ở Đài Loan bình quân không dưới 400USD/tháng, tại Hàn Quốc bình quân từ 700-1000USD/tháng, Nhật Bản từ 1000USD – 1500USD/tháng, Trung Đông mức lương trung bình khoảng 300-500USD/tháng trong khi đó thu nhập của lao động trong nước ở mức khoảng hơn 3.8 triệu đồng/người/tháng. Thêm vào đó, lao động xuất khẩu chủ yếu là những người chưa có việc làm hoặc lao động phổ thông thì thu nhập của họ sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức lương trung bình chung của xã hội.
Số tiền lao động xuất khẩu gửi về ngày càng tăng (cụ thể, năm 2011: 3.758.800đồng, năm 2012: 4.038.000 đồng, năm 2013: 4.335.200 đồng, năm 2014: 4.831.200 đồng) đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người lao động, đặc biệt góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An.
Chỉ tính trong giai đoạn 2005 – 2015, toàn tỉnh đã đưa được 125.099 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (Cụ thể: năm 2005 là 7.014 người, năm 2011: 13.364 người, năm 2012: 13.707 người, năm 2013: 11.671 người và năm 2014: 12.366 người và năm 2015: 12.800).
Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hàng năm chiếm trên 1/3 số lao động được giải quyết việc làm trong năm và Nghệ An luôn đứng đầu cả nước về kết quả xuất khẩu lao động. Hiện số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 55.000 người.
II. Nghệ An cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng xuất khẩu lao động
Với những số liệu thống kê cụ thể, Nghệ An tiếp tục đứng đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại hạn chế như một số địa phương đặc biệt là cấp xã chưa nhận thức được vai trò, lợi ích của hoạt động xuất khẩu lao động mang lại nên trong việc chỉ đạo, thực hiện chủ trương còn hạn chế. Số lao động có tay nghề chỉ chiếm 35,4%. Việc tiếp cận các thị trường có thu nhập cao như Đức, Anh, Canada, Australia… chưa nhiều.
Năm qua, tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao, đặc biệt con số này ở Hàn Quốc là gần 43%. Việc này đã gây nên hình ảnh xấu đối với lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Hàn Quốc không tiếp tục ký biên bản thỏa thuận theo chương trình EPS trong thời gian qua.
Ngoài ra, hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để tự sang một số nước như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc… làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp đã gây nhiều thiệt hại cho chính bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước. Vẫn còn nhiều lao động khi sang làm việc đã vi phạm hợp đồng, pháp luật tại nước sở tại.
Trong khi việc thực hiện đề án còn nhiều khó khăn, thì số lao động xuất khẩu “chui” ở Nghệ An lại có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là đi theo con đường du lịch (Lào, Thái Lan) hoặc sang Trung Quốc bằng đường bộ. Không ít lao động xuất khẩu cư trú bất hợp lệ ở Thái Lan, Trung Quốc đã bị bắt, bị chủ lợi dụng không trả tiền công… Nguyên nhân chính khiến người dân không mặn mà với con đường xuất khẩu lao động chính ngạch bởi thủ tục rườm rà, nguồn vốn vay thấp, chưa tìm được các đơn vị làm về xuất khẩu lao động có uy tín, có năng lực, việc tuyên truyền còn “chưa đúng, chưa trúng” đối tượng…
Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, tỉnh Nghệ An chủ trương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù văn hóa của người dân trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện xuất khẩu lao động. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động, nhất là trong việc đào tạo nghề, vay vốn ở các ngân hàng chính sách…
Tỉnh Nghệ An cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động như: các quy định về thủ tục, quy trình đăng ký hợp đồng, các chính sách như chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, chính sách cho vay vốn nhằm đảm bảo tính đồng bộ và chặt chẽ của các văn bản, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động. Có chính sách giải quyết việc làm cho người lao động khi họ trở về nước để ổn định cuộc sống của bản thân họ và gia đình họ, thực hiện an sinh xã hội trong hoạt động xuất khẩu lao động.
Thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những tranh chấp về lao động trong nước và đặc biệt là ở nước ngoài sao cho phù hợp với luật pháp nước sở tại và luật pháp quốc tế đảm bảo tối thiểu thiệt hại cho người lao động. Hoàn thiện tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan quản lý về xuất khẩu lao động phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể tùy tình hình để thành lập các bộ phận chuyên trách mới để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình xuất khẩu lao động. Định kỳ đánh giá về năng lực quản lý về xuất khẩu lao động, học hỏi mô hình quản lý lao động hiệu quả ở các địa phương khác…
Các Sở, ban, ngành có liên quan khác của tỉnh như cơ quan Công An, Ngân Hàng, Sở Tài chính phải phối hợp hoạt động với Sở Lao động – TB và XH tỉnh nhằm quản lý tốt các khâu, các bước trong quá trình quản lý hoạt động xuất khẩu lao động. Các tổ chức chính trị xã hội trong địa bàn tỉnh như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cũng cần phải phối hợp cùng với các cơ quan nhà nước một mặt nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người lao động, một mặt nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động.
[table “16” not found /]