Nhu cầu tuyển dụng xuất khẩu lao động ngày càng nhiều, nhất là những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Lao động – Thương binh Xã hội tỉnh đã cấp giấy giới thiệu cho 19 đơn vị, doanh nghiệp đến các huyện, thành phố tư vấn tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Một số đơn vị đã chủ động mở văn phòng đại diện tại Bắc Kạn để thuận tiện cho người lao động giao dịch. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 156 người lao động xuất cảnh (số lao động tại 2 huyện nghèo Ba Bể và Pác Nặm là 78 người) đạt 78% kế hoạch giao. Trong đó có 13 lao động đi tu nghiệp sinh tại Nhật Bản; 06 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc qua Trung tâm Lao động ngoài nước; số lao động còn lại đi qua các doanh nghiệp chủ yếu là thị trường Đài Loan, Nhật Bản và Trung Đông.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Bắc Kạn
Chỉ trong 10 năm trở lại đây, Bắc Kạn được lựa chọn là tỉnh có tỷ lệ hộ gia đình được xóa đói giảm nghèo giảm xuống nhanh bằng hình thức đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“Những ngôi nhà tầng khang trang, đẹp đẽ dọc 2 bên đường thuộc địa phận thôn Bản Noỏng, xã Yên Nhuận (Chợ Đồn) là minh chứng cho “lợi ích’ từ xuất khẩu lao động đem lại.
Được cán bộ văn hóa – xã hội xã Yên Nhuận dẫn đường, chúng tôi đến gặp chị Hoàng Thị Hương ở thôn Bản Noỏng- một trong những người đi xuất khẩu lao động 6 năm tại Đài Loan. Ngôi nhà 2 tầng mới, khang trang, rộng hơn 200m2 được xây bằng tiền tiết kiệm trong những năm đi xuất khẩu của 2 vợ chồng chị. Đi Đài Loan làm giúp việc gia đình, chăm sóc người già từ năm 2006 đến năm 2012, hết hạn hợp đồng thì chị Hương về nước. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, chị động viên chồng đăng ký đi xuất khẩu lao động 2 năm ở Malaixia. Hết hạn, năm 2009 chồng chị Hương lại làm đơn xin đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, đến nay vẫn đang làm việc ở nước ngoài. Chị Hương chia sẻ: bản thân chị vẫn muốn đi lao động ở nước ngoài nhưng vì con còn nhỏ nên phải ở nhà vừa chăm sóc gia đình, vừa tăng gia kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, chồng chị hàng tháng tiết kiệm gửi về cho vợ con hơn chục triệu để trang trải cuộc sống. Có ít vốn, tự tạo việc làm cho bản thân chị Hương đầu tư làm nghề nấu rượu.
Xã Yên Nhuận là địa phương có số người đi xuất khẩu lao động nhiều ở huyện Chợ Đồn, hiện còn 20 người đang lao động ở nước ngoài. Hầu hết những người dân đi xuất khẩu lao động khi về đều có một khoản vốn kha khá, giúp xây dựng nhà cửa vững chãi và đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Trước những sức ép về việc làm hiện nay, xu hướng đi làm việc ở nước ngoài đang được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng các văn bản có tính pháp lý như Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 phê duyệt Dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động; Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”… Nhờ quan tâm kịp thời đến lĩnh vực này, tỉnh Bắc Kạn từ năm 2009 – 2015 đã có hơn 2.000 người đi lao động ở nước ngoài.”
Đến nay, giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động của tỉnh Bắc Kạn đã đạt 170/300 người, bằng 56,6% kế hoạch năm. Đây là tín hiệu vui, dự báo thị trường xuất khẩu lao động năm 2017 đang có khởi sắc.
Có thể nói, những tháng đầu năm thị trường xuất khẩu lao động tại tỉnh đang thực sự sôi động. Kết quả này không chỉ là thành công trong công tác tuyên truyền, thu hút doanh nghiệp đến địa bàn mà còn minh chứng “lòng tin” của người dân đối với xuất khẩu lao động đã có sự “phục hồi”. Khi thị trường xuất khẩu lao động ổn định, mức lương cao… sẽ giúp hạn chế được tình trạng xuất cảnh lao động trái phép tại một số địa phương, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
II. Bắc Kạn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và đào tạo lao động đi xuất khẩu lao động
Dù xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được rất nhiều thành công, nâng cao đời sống của nhiều hộ gia đình vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều trở ngại do ý thức kỷ luật của người lao động còn thấp; thói quen không muốn đi làm xa vẫn chi phối nhiều người lao động. Ông Hoàng Văn Hỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn cho biết: Chủ yếu bà con đều làm nông nghiệp, nên kinh phí sang nước ngoài lao động còn gặp hạn chế, một số lao động muốn đi xuất khẩu lao động nhưng trình độ còn chưa đáp ứng nên gặp khó khăn.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình việc làm giai đoạn 2017-2020 diễn ra ngày 03/4/2017, nhiều doanh nghiệp có chức năng tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động đã đánh giá lao động địa phương có sức khỏe, chăm chỉ, rất phù hợp với các đơn hàng đi làm việc tại nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp đều có nguyện vọng sẽ tuyển dụng được lượng lao động lớn, tạo điều kiện trong đào tạo, thủ tục xuất cảnh và các đơn hàng phù hợp với đặc điểm của địa phương. Song song với đó, việc đào tạo ngoại ngữ sẽ được mở lớp ngay tại địa bàn để người dân giảm được chi phí đi lại.
Để giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ngày càng được nâng cao, giúp giảm nghèo bền vững, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn ưu tiên vay vốn (vay mức 50 triệu đồng không phải thế chấp) đối với người đi xuất khẩu lao động có nhu cầu… Với sự quan tâm của các cấp, ngành, hi vọng năm 2017 xuất khẩu lao động của tỉnh sẽ có bước đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.
[table “16” not found /]