Từ năm 2004 đến tháng 5 năm 2016: Tổng số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 2.326 lao động, ( Trong đó: 5 tháng đầu năm 2016: xuất khẩu lao động 52/300 lao động chiếm 17,33% kế hoạch). Số lao động xuất cảnh là người dân tộc khơmer là: 281 người. Số lao động về nước trước hạn là: 238 (57 nữ) với nhiều lý do như: bệnh, xin về, công ty phá sản (giải thể), bị kỷ luật, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại,…
Số lao động chết tại Malaysia là: 02 lao động (Trương Văn Út và Hữu Dũng). Số lao động hết hạn hợp đồng tính đến tháng 5/2016 là: 2.044 (746 nữ). iếp nhận và xử lý 28 đơn yêu cầu của lao động đi làm việc tại Đài Loan và Malaysia. Ngân sách tỉnh hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu cho lao động xuất khẩu từ đầu Chương trình 2004 đến nay là: 628.800.000 đồng, trong đó: đối tượng chính sách: 359.800.000 đồng, các đối tượng còn lại: 269.000.000 đồng. Vốn hỗ trợ cho vay xuất khẩu lao động từ năm 2004 đến nay là: 15 tỷ 426 với tổng số lao động vay là 725 lao động, chi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tổng số nợ xuất khẩu lao động toàn tỉnh đến ngày 31/12/2015 là: 11,403 tỷ đồng (trong đó: gốc là 8,144 tỷ đồng, lãi xuất là 3,259 tỷ đồng). Đã thu hồi 4,284 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn đến nay là 56,1%.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Bạc Liêu
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp chỉ đạo trong việc hỗ trợ lao động đi xuất khẩu như: hỗ trợ chi phí ban đầu cho con thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc, bộ đội xuất ngũ và đối tượng ngoài chính sách.
Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tận người dân và thanh niên ở các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn.
Với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước trong việc phân bổ chỉ tiêu, tiếp nhận hồ sơ lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và tu nghiệp sinh tại Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tỉnh ra nước ngoài làm việc.
Nhiều hộ gia đình có con em tham gia đi xuất khẩu lao động đã thoát nghèo vươn lên khá; công tác xuất khẩu lao động phần nào góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế: Số lao động tham gia đăng ký xuất khẩu lao động chủ yếu tập trung ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản mặc dù thị trường này đòi hỏi khá cao về tiêu chuẩn trong việc tuyển chọn, nhiều lao động khả năng không đáp ứng được nhưng vẫn đăng ký. Trong khi đó, thị trường Malaysia không đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề cao, nên phù hợp với khả năng, trình độ lao động ở tỉnh ta nhưng nhiều lao động vẫn không đăng ký tham gia đi xuất khẩu. Vì vậy, chỉ tiêu xuất khẩu lao động của tỉnh nhiều năm qua không đạt kế hoạch đề ra.
Một bộ phận lao động trình độ văn hóa thấp nên gặp khó khăn trong học ngoại ngữ; đa số lao động chưa được đào tạo tay nghề thích hợp với môi trường công nghiệp; ý thức tổ chức, kỷ luật kém và chấp hành luật pháp kém, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại buộc về nước trước thời hạn, làm ảnh hưởng đến phong trào xuất khẩu lao động. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đi làm việc tại Hàn Quốc còn kém, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao so với các quốc gia khác, làm ảnh hưởng uy tín lao động Việt Nam, do đó chỉ tiêu tuyển lao động mà Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Ý thức các hộ gia đình và lao động trong việc trả nợ chưa cao, nhất là các hộ vay cho con đi làm việc tại Malaysia, mặc dù qua khảo sát lao động làm việc có thu nhập khá, có tích lũy; đối với những lao động đã về nước hết hợp đồng cũng chưa trả xong nợ vay Ngân hàng làm ảnh hưởng việc tái đầu tư nguồn vốn cho công tác xuất khẩu lao động.
Số lao động về nước trước thời hạn với những lý do khác nhau như: Xin về, do không đảm bảo về sức khỏe, vi phạm hợp đồng; đa số người lao động sau khi về nước không trình báo qua Trung tâm Dịch vụ việc làm và địa phương gây khó khăn trong việc thu hồi nợ, quản lý lao động về nước.
Một số Công ty cung ứng lao động ký kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không thực hiện tốt việc quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, không bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, thực hiện không đúng hợp đồng lao động đã ký kết như chế độ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, tiền công,…làm ảnh hưởng đến tâm lý lao động nên công tác xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều khó khăn.
II. Giải pháp trong thời gian tới để giúp phát triển xuất khẩu lao động tại tỉnh Bạc Liêu
Tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở, phải xem công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và nhân dân.
Trang bị cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản cho quá trình lao động ở nước ngoài. Đối tượng giáo dục định hướng là số lao động chuẩn bị xuất cảnh, đây là lực lượng gồm nhiều thành phần khác nhau về trình độ, về hoàn cảnh gia đình, về khả năng tiếp thu vì vậy trong giáo trình cần được chuẩn bị tốt và thiết thực, sát thực tế, đảm bảo có chất lượng, có hiệu quả.
Kết hợp với các ngành các cấp đoàn thể ở xã, phường, thị trấn thành lập bộ phận thường trực chuyên trách về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thông tin tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người lao động kịp thời.
Phối hợp các Công ty xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn, tọa đàm, tuyển chọn trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, nhằm tạo niềm tin, sự gắn kết chặt chẽ với người lao động, làm cho người dân chú ý hơn góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Mở rộng thêm các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao phù hợp với điều kiện làm việc sinh hoạt và trình độ của người lao động như: Singapore, Macau, Liên bang Nga,… mở rộng quan hệ đối tác tìm kiếm, thẩm định và đi đến ký kết những hợp đồng cung ứng lao động chú trọng đến chất lượng, không chạy theo số lượng.
Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Ngân hàng Thương mại điều chỉnh mức cho vay đối với lao động đi xuất khẩu theo hướng cho vay đủ số tiền để chi trả chi phí xuất khẩu lao động theo yêu cầu của từng thị trường.
Mở rộng các thị trường có thu nhập cao, ổn định và lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động có uy tín, có trách nhiệm trong quản lý đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra./.
[table “16” not found /]