Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 201 người xuất khẩu lao động. Trong đó, hơn 50% người chọn Nhật Bản là nơi khởi nghiệp giấc mơ làm giàu.
Năm 2016, việc Chính phủ ký Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu lao động. Cùng với đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký các hiệp định hợp tác nhằm đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. Ngoài các thị trường truyền thống, như: Nga, các nước Đông Âu, Nhật Bản, Đài Loan…, bộ còn mở rộng hợp tác với những nước có nhu cầu nhập khẩu lao động lớn như: Đức, Australia, các nước Trung Đông, Bắc Phi. Cũng trong năm nay, bộ đã đàm phán, ký kết và thực hiện bản ghi nhớ đặc biệt (MOU) với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này theo Chương trình luật cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc, giúp khoảng 3.500 lao động kiếm được việc làm tại xứ kim chi trong thời gian tới. Bộ cũng ký kết thỏa thuận song phương hợp tác lao động giữa Việt Nam – Thái Lan, Việt Nam – Malaysia; Ý định thư hợp tác đưa lao động sang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại Đức. Nhờ đàm phán của bộ, Australia vừa thông báo sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân Việt Nam lưu trú để du lịch nhưng được tìm việc làm hợp pháp trong năm 2016. Như vậy, cơ hội để người lao động Việt Nam tìm kiếm việc làm trên thị trường ngoại quốc đang ngày càng rộng mở.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Bình Phước
Tại Bình Phước, từ năm 2000 tới nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản khuyến khích hoạt động xuất khẩu lao động. Trong đó, đáng chú ý là Kế hoạch số 08/KH-UBND, ngày 9-1-2013 về tăng cường công tác đưa người lao động và chuyên gia trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, Ngân hàng Thương mại và các ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp mà không cần thế chấp tài sản, ít nhất đáp ứng được tối đa 70-80% số tiền người lao động phải đóng góp cho các công ty môi giới theo quy định. Ngoài ra, các sở, ngành chức năng tổ chức giới thiệu việc làm cho những người đi xuất khẩu lao động về nước sau khi hết hợp đồng, giúp họ có công việc ổn định và phù hợp, tăng thu nhập và thu ngoại tệ.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 33.694 người, đạt 33,69% kế hoạch năm 2016. Thị trường trọng điểm, tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam là Đài Loan và Nhật Bản (chiếm trên 80% tổng số lao động đưa đi). Riêng tháng 4-2016, các doanh nghiệp đã đưa 10.480 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan 4.991 người, Nhật Bản 3.349 người, Hàn Quốc 1.510 người và những thị trường khác. Hiện Việt Nam có trên 500 ngàn lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, ở hơn 30 nhóm ngành nghề. Trung bình mỗi năm, lượng kiều hối được người lao động gửi về nước đạt từ 1,6-2 tỷ USD.
Dù người dân Bình Phước lại không mặn mà với giấc mơ xuất ngoại làm giàu. Năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 156 lao động xuất khẩu. Đây là mức quá khiêm tốn so với con số 4.000 lao động xuất khẩu của tỉnh Hưng Yên cùng năm (là một trong những tỉnh có số lao động xuất khẩu lớn nhất trong cả nước). Tình hình xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm 2016 tại Bình Phước cũng không mấy khả quan, mới chỉ có 201 lao động xuất khẩu.
Ngoài vấn đề số lượng, hoạt động xuất khẩu lao động tại Bình Phước được biết đến với những bất lợi như không có tay nghề, không thạo ngoại ngữ và không có tác phong công nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ba không” là do người lao động chủ yếu xuất thân từ nông thôn với trình độ phổ thông, chưa qua các lớp đào tạo tay nghề chính quy. Ngoài ra, người lao động còn thiếu sự gắn bó, hợp tác trong công việc, thiếu hiểu biết về sản xuất công nghiệp, gây khó khăn cho chủ sử dụng lao động. Điều này không chỉ khiến thu nhập thấp mà còn đẩy họ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với lao động của các nước trong khu vực, điển hình là Trung Quốc và Indonesia.
II. Bình Phước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng XKLD
Các doanh nghiệp cần có biện pháp để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt đòi hỏi của thị trường. Trước mắt, các doanh nghiệp phải tập trung vào việc xuất khẩu lao động phổ thông cho các thị trường Đài Loan, Malaysia… nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư vốn, cơ sở vật chất nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, giúp họ có khả năng đảm nhận những công việc đòi hỏi chất xám ở các nước hiện đại.
Doanh nghiệp cần hoàn thiện quy trình tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với địa phương trong tuyển dụng lao động; công khai minh bạch với chính quyền và người lao động về các điều kiện của hợp đồng, nhất là các khoản đóng góp, giúp người lao động giảm những chi phí không cần thiết.
Chính quyền địa phương tiếp tục giám sát việc tuyển dụng, giới thiệu cho doanh nghiệp những người lao động có nhân thân rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời, tạo điều kiện giúp người lao động hoàn thành các thủ tục hành chính; có chính sách, cơ chế hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng địa phương. Mặt khác, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lao động và việc làm; đẩy mạnh thực thi các chính sách mở rộng thị trường, hỗ trợ đào tạo cho người lao động đi xuất khẩu và tiếp nhận trở lại sau khi kết thúc hợp đồng. Các ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát lao động trong thời gian lao động làm việc ở nước ngoài và hoạt động của các doanh nghiệp môi giới nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong xuất khẩu lao động.
[table “16” not found /]