Theo thống kê cho thấy từ đầu năm đến giờ toàn tỉnh có hơn 600 người tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài. Thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan vẫn thu hút nhiều lao động nhất với gần 300 lao động, Nhật Bản khoảng 200 lao động còn lại là các thị trường khác.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Cao Bằng
Những năm qua, tỉnh ta đã tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhiều lao động nông thôn được đi học nghề, học ngoại ngữ, trang bị kiến thức để đi XKLĐ. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc tại nước ngoài, nguồn nhân lực này tuy có tay nghề và số vốn nhất định nhưng vẫn lúng túng để khởi nghiệp tại quê hương. Môi trường làm việc mới, chính sách sử dụng nhân lực giàu kinh nghiệm còn “bỏ ngỏ” khiến nhiều lao động có trình độ tay nghề cao vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đưa hơn 5.000 người đi XKLĐ, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Số lao động này làm việc ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, như: Cơ khí, may, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, giúp việc, xây dựng, đóng hộp thực phẩm… Trung bình hằng năm, số lao động hết thời hạn hợp đồng trở về nước khoảng 300 người. Với trình độ tay nghề cao, cộng thêm vốn kiến thức, ngoại ngữ, số lao động này sau khi trở về nước tưởng sẽ dễ dàng tìm cho mình công việc phù hợp nhưng thực tế nhiều lao động vẫn không tìm được việc làm phù hợp, đa số họ tự bỏ vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, đi lái xe cho các doanh nghiệp, ở nhà làm ruộng, số còn lại tìm cơ hội XKLĐ trở lại.
Trong thời gian gần đây trên địa bàn hai huyện: Thạch An và Thông Nông của tỉnh Cao Bằng đã xảy ra tình trạng người dân địa phương liên kết với doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thực hiện tuyển chọn lao động địa phương để đưa đi đào tạo và làm việc ở nước ngoài; giả danh nhân viên công ty được phép hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh để tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… gây tâm lý hoang mang cho người lao động và ảnh hưởng đến hoạt động tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp được phép hoạt động xuất khẩu lao động nói riêng và công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói chung.
II. Giải pháp để thúc đẩy XKLD tại Cao Bằng phát triển
Giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động hết thời hạn trở về nước
Thị trường lao động nước ngoài thời gian qua vẫn là hướng lập nghiệp được nhiều người lựa chọn. Môi trường năng động, cơ sở vật chất hiện đại, có cơ hội cọ sát tích lũy kinh nghiệm cùng mức lương hấp dẫn đã mở ra cơ hội lập nghiệp cho nhiều người. Để nguồn lao động có tay nghề này khi về nước không bị lãng phí và hạn chế tình trạng sau khi hết thời hạn hợp đồng tự ý ở lại nước sở tại để cư trú, lao động bất hợp pháp, hằng năm, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động nói chung và người lao động đi XKLĐ về nước nói riêng để tạo cơ hội việc làm cho người lao động tái hòa nhập thị trường lao động. Theo đó, với những người lao động có nhu cầu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ để lựa chọn công việc phù hợp. Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch dành riêng cho người lao động đã đi XKLĐ về nước ở 2 thị trường là Nhật Bản, Hàn Quốc được lựa chọn các doanh nghiệp FDI và DDI phù hợp với trình độ chuyên môn để vào làm việc.
Cần tuyên truyền, thúc đẩy và chấn chỉnh hoạt động tuyển dụng của các công ty môi giới hoạt động trên địa bàn tỉnh
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục phổ biến Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 19/9/2011 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đến thôn, xóm và người lao động.
Thông báo doanh nghiệp được phép tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn (theo văn bản thông báo của Sở Lao động- TBXH) đến người lao động, để tránh tình trạng người lao động bị lừa gạt, đăng ký tham gia xuất khẩu lao động với các doanh nghiệp không được phép hoạt động xuất khẩu lao động.
Tạo điều kiện, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tư vấn, tuyên truyền và tuyển chọn lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo các Hợp đồng Cung ứng lao động đã được Cục quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận; thường xuyên theo dõi hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động tại địa phương để ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp thông tin không đúng về công việc, mức lương, hứa hẹn khi tư vấn cho người lao động… nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để người lao động lựa chọn doanh nghiệp đăng ký tham gia XKLĐ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn quản lý.
[table “16” not found /]