Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động XKLĐ được giới thiệu, tham gia tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động Hà Giang đi làm việc tại các thị trường Malaisia, Hàn Quốc, Qua ta, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông. Năm vừa qua, toàn tỉnh có 271 lao động được tuyển chọn xuất khẩu, chỉ chiếm gần 1,7% tổng số lao động được giải quyết việc làm.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Hà Giang
Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là giải pháp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Vì vậy, trong những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc tuyển dụng và quản lý XKLĐ lao động qua biên giới làm việc.
Trao đổi với lao động Mùng Văn Sơn, trú tại thôn Thâm Noong, xã Tát Ngà (Mèo Vạc), Sơn tâm sự: Đầu năm 2017, Sơn sang bên Trung Quốc làm việc, công việc chính của Sơn là chế biến thủy sản với mức thu nhập gần 3.000 nhân dân tệ/1 tháng. Đồng thời, Sơn còn được hỗ trợ về ăn uống, nơi ở và sự thăm hỏi, quan tâm thường xuyên của các lãnh đạo huyện Mèo Vạc. Với mức thu nhập như hiện tại, Sơn có thể tích cóp chút vốn cho bản thân và gửi tiền nhà giúp đỡ gia đình.
Công tác quản lý XKLĐ qua biên giới đã giúp cho huyện Mèo Vạc giải quyết được vấn đề việc làm cho NLĐ trên địa bàn huyện, tạo thêm được nhiều thị trường lao động để NLĐ có cơ hội lựa chọn một công việc phù hợp với năng lực, trình độ của mình và có thu nhập ổn định. Để tránh những rủi ro phát sinh trong XKLĐ, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện thường xuyên trao đổi thông tin với các Phòng Ngoại sự, Cục Tài nguyên nhân lực nước bạn để cung cấp những công việc ổn định, có thu nhập cao cho NLĐ lựa chọn và đăng ký đi làm việc; chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, triển khai về nội dung biên bản Hội đàm về quản lý lao động, tuyển dụng lao động qua biên giới; chỉ đạo các Đồn Biên phòng quản lý chặt chẽ sổ thông hành, tăng cường công tác kiểm tra đường biên, mốc giới để phát hiện, xử lý nghiêm đối với các công dân vượt biên trái phép hoặc lợi dụng đi thăm người thân để ở lại lao động tự do bên Trung Quốc.
Việc đưa NLĐ qua biên giới làm việc của huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả nhất định. Song bên cạnh đó, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như: Huyện không có người đại diện trực tiếp bên huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để quản lý và trao đổi thông tin khi cần thiết nên việc giải quyết công việc phát sinh liên quan đến NLĐ chưa kịp thời; việc tuyển dụng lao động sang Trung Quốc làm việc chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có tay nghề nên sắp xếp công việc gặp nhiều khó khăn; NLĐ đi làm chủ yếu thuộc diện hộ nghèo không có diều kiện về kinh tế để chi trả kinh phí khám sức khỏe, làm giấy thông hành, tiền đi lại… nên gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng NLĐ để đưa đi làm việc.
Vấn đề giải quyết việc làm, XKLĐ có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc XĐGN. Việc đưa lao động đi làm việc tại các nhà máy ngoài tỉnh, đi xuất khẩu ngoài mục tiêu nâng cao thu nhập, còn tạo ra cái nhìn mới, tác phong mới cho lao động địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khẳng định, Hà Giang đang tiếp cận nhiều kênh giải quyết việc làm, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài nước nhằm tạo ra nhiều nguồn cung việc làm; đổi mới công tác dạy nghề cho người lao động theo chuẩn mực, phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường trong và ngoài nước; tới đây, tỉnh sẽ ban hành cơ chế, chính sách, thành lập ban điều phối giải quyết việc làm, XKLD. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác XKLD; các cục, vụ, viện thuộc Bộ LĐ-TBXH, các doanh nghiệp sử dụng lao động, doanh nghiệp XKLĐ hiến kế, đề xuất cho Hà Giang những cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình giải quyết việc làm, XKLĐ.
II. Hà Giang cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng XKLD
Dự báo giai đoạn 2016-2020, số lao động của tỉnh có nhu cầu cần giải quyết việc làm khoảng 105 – 140 nghìn người; lao động có khả năng được giải quyết việc làm trong giai đoạn này khoảng 82 nghìn người, bình quân 16,4 nghìn lao động/năm. Vì vậy, ngoài tập trung thực hiện các giải pháp tạo việc làm cho người lao động tại địa phương, để đẩy mạnh công tác XKLĐ, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, người dân về chính sách, giải pháp giải quyết việc làm, nhằm tạo sự chuyển biến, thay đổi thói quen, tập quán ngại đi làm việc xa nhà; tổ chức thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động, mục tiêu, đối tượng, các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh phân luồng học sinh phổ thông, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề, liên kết với các thị trường lao động ngoài tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến tuyên truyền, tuyển lao động.
Tăng cường thông tin sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của công tác dạy nghề đối với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo; huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao các trang thiết bị giảng dạy; bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của đào tạo trong giai đoạn mới; tiếp tục điều tra, rà soát lại các ngành nghề đang đào tạo, nhu cầu theo học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhằm ký kết hợp đồng giữa 3 bên trước khi mở các lớp dạy nghề; đăng ký số lượng và lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của mỗi địa phương. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, phấn đấu trong thời gian tới mỗi năm tỉnh sẽ đưa khoảng 300 lao động ra nước ngoài làm việc; tiếp tục nâng cao trình độ, chất lượng nguồn lao động khi các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao; thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi ra nước ngoài làm việc.
[table “16” not found /]