Xuất khẩu lao động của Hậu Giang lại thêm một năm không đạt được kết quả như mong muốn. Với thực trạng xuất khẩu lao động tiến triển chậm như hiện nay, mục tiêu đưa lao động đi nước ngoài năm 2017 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Hãy cùng điểm qua tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Hậu Giang nhé.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Hậu Giang
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Hậu Giang tập trung hoàn tất 1.000 hồ sơ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Để giúp người đi lao động có nguồn vốn thế chấp ban đầu làm việc ở nước ngoài, tỉnh dành 20 tỉ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách Hậu Giang cho vay 15 tỉ đồng và tỉnh Hậu Giang bổ sung nguồn vốn đối ứng thêm 5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Phòng xuất khẩu lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: “Năm vừa qua, thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản… có nhu cầu tuyển dụng lao động khá nhiều. Phối hợp với các đơn vị liên quan, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn về chính sách việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động. Mặc dù vậy, tỷ lệ đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, nguyên nhân người lao động chưa thực sự có quyết tâm cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu xuất khẩu lao động nhiều năm qua”.
Được biết vừa qua, việc XKLĐ ở Hậu Giang gặp một số khó khăn do ý thức chủ động, tự giác làm thủ tục của người đi XKLĐ chưa cao, còn trông chờ vào các cơ quan nhà nước. Mặt khác, những hồ sơ liên quan đến các thủ tục XKLĐ của người lao động như: giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khám sức khỏe… thường thiếu, mất hoặc không rõ ràng. Sự phối hợp giữa trung tâm giới thiệu việc làm với công an xã, phường và các đơn vị chức năng để hoàn thành các thủ tục XKLĐ cũng chưa nhịp nhàng, mất nhiều thời gian của người lao động.
Trước tình trạng nhiều thị trường bị thu hẹp trong thời gian qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Hậu Giang đã kết hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh tìm kiếm thị trường, đối tác mới. Tuy nhiên, khi nhu cầu tuyển dụng đã có thì vấn đề người lao động không mặn mà lại là điều đáng bận tâm. Trong 3 năm qua, xuất khẩu lao động của Hậu Giang đều không đạt chỉ tiêu đưa ra. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang chỉ đưa đi xuất khẩu lao động được hơn 100 người.
Dù đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ, nhưng ngành chức năng vẫn trong tình trạng “hụt hơi” chạy chỉ tiêu hàng năm, vì không tuyển đủ lao động. Việc người lao động không mặn mà với thị trường lao động nước ngoài là do họ có sự so sánh mức chênh lệch thu nhập không nhiều giữa làm việc trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, chính sách cho vay còn hạn chế đối tượng, tay nghề lao động không đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường… cũng là “rào cản” xuất khẩu lao động.
Tại một số cuộc giao dịch việc làm vừa được tổ chức tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ đăng ký tham gia đi xuất khẩu lao động không cao. Nhìn chung, người lao động còn nhiều thắc mắc về thông tin việc làm, thị trường, chính sách… khi tham gia đăng ký xuất khẩu lao động. Sau khi những vấn đề mà người lao động đặt ra được trả lời khá thấu đáo thì họ vẫn còn tỏ ra quan ngại. Ông Trần Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: “Hiện tại, thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Angola… đều có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, để xuất khẩu lao động đạt được kết quả như mong muốn thì phải vượt qua một số khó khăn hiện nay: đào tạo nguồn lao động tốt (tác phong, nghề nghiệp, ngoại ngữ…), có đối tác tốt, có sự giám sát chặt chẽ lao động, làm việc ở nước ngoài và yếu tố quan trọng nữa là tạo được sự quyết tâm đối với người lao động. Phải để người lao động thấy được rằng khi tham gia xuất khẩu lao động bên cạnh việc đòi quyền lợi thì họ cũng phải có tinh thần và trách nhiệm cao trong công việc. Nguồn nhân lực tốt mới tìm được thị trường tốt, đối tác tốt”.
II. Hậu Giang cần đẩy mạng công tác tuyển và đào tạo hơn nữa cho người lao động
Được xem là một trong những giải pháp nhằm giảm nghèo và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, nhất là người lao động ở vùng nông thôn.Tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, tìm kiếm nguồn lao động cho thị trường có thu nhập ổn định, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang Trần Minh Thiện cho biết: Trung tâm đang tăng cường thực hiện sàn giao dịch việc làm ở các địa phương, nhằm giới thiệu cho người lao động biết đến những thị trường nước ngoài có nguồn thu nhập cao và ổn định, nhất là thị trường Hàn Quốc vừa mở lại vào tháng 7/2016. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm có kế hoạch tạo điều kiện cho hơn 100 lao động được đi làm việc ở Hàn Quốc, tổ chức các lớp học tiếng Hàn tại Trung tâm nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí ban đầu cho người lao động.
Theo ông Trần Minh Thiện, hiện chi phí đi xuất khẩu lao động thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản từ 100 – 120 triệu đồng/người, thu nhập mỗi tháng từ 15 – 20 triệu đồng với công việc phổ thông như dệt, may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm, là thị trường hấp dẫn đối với người lao động trẻ ở địa phương. Trung tâm tổ chức quảng bá, mở sàn giao dịch việc làm ở các địa phương để người lao động có nhu cầu và điều kiện được đăng ký đi lao động nước ngoài. Với việc đăng ký xuất khẩu lao động qua Trung tâm, người lao động không bị tốn phí giới thiệu, Trung tâm cũng đã kiểm tra và giám sát hoạt động của các công ty xuất khẩu lao động, giúp người dân tránh được các rủi ro, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định ở nước ngoài.
Hiện trung tâm đang tổ chức 2 lớp học tiếng Hàn Quốc cho hơn 100 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với chi phí 2 triệu đồng/khóa, mức chi phí đào tạo thấp nhất so với các địa phương khác trong vùng. Bên cạnh đó, người dân còn tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn uống so với việc phải đi học ở Cần Thơ hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm dịch vụ việc làm Hậu Giang cũng giới thiệu cho người lao động một số thị trường khác như Đài Loan, Malaysia, một số nước Trung Đông, là những thị trường có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, có chi phí ban đầu thấp, phù hợp với người lao động nông thôn.
Năm 2016, Trung tâm dịch vụ việc làm Hậu Giang đã tạo điều kiện cho hơn 50 người đi xuất khẩu lao động và 6 tháng đầu năm 2017 là 29 người, phần lớn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan./.
[table “16” not found /]