Trong năm 2016, tỉnh Ninh Thuận đạt được 103/120 LĐ, đạt 85,83%, tăng 63 lao động so với năm 2015 (thị trường Nhật Bản 38 LĐ, Hàn Quốc 7 LĐ, Malaysia 4 LĐ, Ả rập Xê-út 50 LĐ, Singapore 1 LĐ, Đài Loan 2 LĐ và Cộng hòa Liên bang Đức 1 LĐ). Qua XKLĐ, nhiều gia đình trở nên khá giả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Ninh Thuận
Nhìn lại hoạt động XKLĐ trong những năm gần đây có thể thấy công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng người LĐ đi XKLĐ tăng dần theo từng năm. Đặc biệt, trong năm 2016, đã đưa được 103/120 LĐ, đây là năm mà số lượng người tham gia XKLĐ tại tỉnh ta cao nhất từ trước tới nay. Con số trên tuy chưa đạt được chỉ tiêu do UBND tỉnh giao nhưng đã cho thấy sự nỗ lực, quan tâm rất lớn của tỉnh đối với hoạt động XKLĐ. Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Để có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đối với hoạt động XKLĐ thời gian qua. Trong đó đã có nhiều cách làm đổi mới, hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người LĐ cho đến việc chỉ đạo các huyện, thành phố giao chỉ tiêu cho các xã, phường, thị trấn, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XKLĐ, nhờ đó số lượng LĐ tham gia XKLĐ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và dự báo trong năm 2017, hoạt động XKLĐ tại tỉnh ta sẽ có nhiều khởi sắc.
Một trong những việc làm nổi bật trong hoạt động XKLĐ thời gian qua đó là công tác tuyên truyền đã được triển khai thường xuyên, rộng rãi với nhiều hình thức phong phú, nhất là phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các phiên giao dịch, tư vấn tập trung, xây dựng nhiểu pa-nô, băng-rôn treo ở các điểm thuận lợi và phát tờ rơi về các thông tin XKLĐ cho người LĐ. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các huyện, thành phố tiến hành tổ chức hội nghị tư vấn XKLĐ cho 815 LĐ, qua các hội nghị đã có 39 LĐ đăng ký tham gia XKLĐ, 60 LĐ đăng ký việc làm trong nước, ngoài ra được sự chấp thuận của UBND tỉnh, lớp tiếng Nhật do Công ty Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn tổ chức dạy miễn phí tại tỉnh đã đã góp phần giảm chi phí cho các LĐ có nguyện vọng tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản. Từ sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp đã mang lại hiệu quả thiết thực, một số địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu được giao như Ninh Phước, Thuận Nam, đặc biệt là huyện Bác Ái đã vượt chỉ tiêu 130% (13/10 LĐ). Các thị trường LĐ chủ yếu được đa số LĐ tại tỉnh ta tham gia là Ả-rập Xê-út, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt là thị trường Ả-rập Xê-út đã được nhiều LĐ lựa chọn bởi theo chính sách của Ả-rập Xê-út, người LĐ Việt Nam không những được đi XKLĐ miễn phí, mà còn có cơ hội nhận được khoản hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với LĐ nghề giúp việc gia đình, thị trường này cũng không đòi hỏi khắt khe về trình độ, tay nghề nên người LĐ có thể xuất cảnh dễ dàng hơn rất nhiều so với các thị trường khác.
Được hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động hiện là mong muốn của hầu hết lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Bởi thực tế, nhiều lao động nghèo thành thị, đồng bào Chăm, Răk-Lây, vùng sâu, vùng xa đều tìm thấy cơ hội đổi đời từ các chương trình xuất khẩu lao động của Chính phủ. Hàng ngàn lao động đã được tuyển dụng tại các công ty sản xuất, kinh doanh ở Sài Gòn và hàng trăm lao động đã được xuất khẩu sang nước ngoài. Phần lớn đã có cuộc sống ổn định, gửi tiền về phụ giúp gia đình.
II. Ninh Thuận cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyển dụng và đào tạo xuất khẩu lao động
Khó khăn lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận hiện tại là về Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đến được tới mọi người dân. Nhận thức của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ nên hạn chế trong việc phối, kết hợp tổ chức triển khai thực hiện; trình độ học vấn thấp, tay nghề và ngoại ngữ của người LĐ chưa có là những khó khăn trong việc duy trì và mở rộng thị trường XKLĐ hiện nay. Chính sách hỗ trợ cho người LĐ tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng còn hạn chế, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ có khó khăn về kinh phí được vay vốn tham gia XKLĐ, nhất là LĐ thuộc các hộ có số nợ tại các ngân hàng nên những LĐ đã trúng tuyển nhưng không có khả năng theo học ngoại ngữ và học định hướng nghề.
Phần lớn người LĐ có nhu cầu XKLĐ là LĐ nông thôn, khó khăn về kinh tế, bản thân và gia đình không có hoặc không đủ tiền; trình độ học vấn thấp, ý thức kỷ luật LĐ chưa cao, còn mang nặng tập quán địa phương, tâm lý ngại đi xa, nhất là tham gia XKLĐ. Phần lớn thanh niên trong độ tuổi LĐ chưa thực sự hiểu rõ ràng, đầy đủ về các thị trường ngoài nước đang cần LĐ…
Tỉnh Ninh thuận cần đẩy mạnh và tạo bước phát triển bền vững trong lĩnh vực đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó chú trọng tăng LĐ qua đào tạo nghề.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, ngành, đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ theo Chỉ thị số 41-CT/TW của Bộ Chính trị về XKLĐ và chuyên gia, Luật Người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Chỉ thị 04-CT/TU ngày 13-11-2015 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm-XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Đề án XKLĐ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020.
Trình UBND tỉnh thông qua Đề án Hỗ trợ vay vốn từ ngân sách của tỉnh đối với LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 để tháo gỡ khó khăn về vốn cho người LĐ khi trúng tuyển.
Phối hợp với các công ty XKLĐ hoặc với các trung tâm, các đơn vị có năng lực để liên kết mở lớp đào tạo ngoại ngữ cơ bản tại tỉnh nhằm thu hút LĐ và giảm chi phí học ngoại ngữ đối với người LĐ trong việc tham gia XKLĐ.
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra đối với các doanh nghiệp tham gia XKLĐ tại tỉnh để kịp thời xử lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ cũng như doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xem xét thiết lập kênh thông tin kết nối giữa người LĐ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý LĐ tại địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người LĐ, có như vậy người lao động mới yên tâm và tích cực tham gia XKLĐ.
[table “16” not found /]