TGVN. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ hai về số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc.
Theo MHLW, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc ở Nhật Bản vào cuối tháng 10/2019 là 1.658.804 người, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2008 – thời điểm nước này bắt đầu thống kê về số lượng lao động nước ngoài.
Trong tổng số hơn 1,6 triệu lao động nước ngoài kể trên, lao động đến từ Trung Quốc đông nhất (418.327 người), chiếm 25,21% và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 với 401.326 lao động nhưng có tốc độ tăng mạnh nhất so với hai nước còn lại trong top 3 (26,7%). Philippines xếp ở vị trí thứ ba với 179.685 lao động, tăng 9,6%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng này là do trong thời gian gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng chính sách thị thực để thu hút thêm lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh dân số đất nước Mặt Trời mọc đang già hóa nhanh chóng. Nhiều lao động đến từ các nước đang phát triển đã tới Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật.
Cũng theo Bộ trên, nếu thống kê theo lĩnh vực, công nghiệp có số lượng lao động nước ngoài đông nhất với 483.278 người, chiếm 29,1% trong tổng số lao động nước ngoài, trong đó gần 50% làm việc dưới tư cách thực tập sinh kỹ thuật. Tiếp theo là lĩnh vực bán lẻ với 212.528 lao động và các dịch vụ khác với 266.503 lao động.
Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập cảnh và Quản lý Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm 2019, có 189.000 thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài mới tới nước này làm việc, tăng 26% so với năm trước đó.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu áp dụng chính sách thị thực mới từ ngày 1/4/2019, với mục đích thu hút thêm lao động nước ngoài tới nước này để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực. Theo chính sách thị thực mới, lao động nước ngoài với trình độ tiếng Nhật và chuyên môn nhất định có thể đăng ký tư cách lưu trú mới với tên gọi “Lao động có kỹ năng đặc định loại 1” có thời hạn lên tới 5 năm và họ có thể làm việc trong 14 lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc y tế.
Các lao động có chuyên môn trong hai lĩnh vực xây dựng và đóng tàu có thể đăng ký tư cách lưu trú dành cho “Lao động có kỹ năng đặc định loại 2” để làm việc ở Nhật Bản trong thời gian dài hơn. Tư cách lưu trú loại 2 cho phép lao động nước ngoài mang theo gia đình và không giới hạn số lần họ gia hạn thị thực.
Cập nhật các thông tin mới nhất về chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản năm 2021 TẠI ĐÂY