Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long xác định, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), vừa đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Thời gian qua, tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, giúp nhiều LĐ được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Kỳ 1: Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung triển khai, đẩy mạnh hoạt động XKLĐ, nhất là đối với LĐ nghèo. Thực tế từ những người XKLĐ về nước, giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giàu đã góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, địa phương và cả ý thức cho con em đi XKLĐ của nhiều người.
Cơ sở sản xuất nước- cơ ngơi hai con trai chú Tám đi XKLĐ dành dụm xây dựng nên. |
Chuyện XKLĐ ở Sóc Rừng
Đến ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ (Tam Bình) hỏi nhà ông Thạch Bê, có 2 con đi XKLĐ thì hầu như ai cũng biết. Một thanh niên chỉ tay vô con hẻm nói: “Đó, cứ chạy vô đường đó một chút qua cua thứ hai, thấy cái nhà đẹp nhất là nhà ổng à”.
Trong căn nhà tường khang trang cất theo kiểu mới, chú Thạch Bê kể chuyện chục năm về trước “nhà nghèo, có 7 đứa con và 7 công ruộng, làm không đủ ăn rồi bệnh tật đủ thứ phải cầm cố hết 7 công ruộng cho người ta”.
Hiện, hai con của chú Bê là Thạch Văn và Thạch Văn Duyên đang XKLĐ tại Hàn Quốc. Chú Bê nói thêm: “Tụi nó đi hết 1 đợt 3 năm rồi về, mới đi tiếp đợt 2”.
Nhờ 2 con, gia đình chú Thạch Bê đã chuộc lại 7 công ruộng còn mua thêm 8 công nữa. Ngoài ra, các anh còn xây hai căn nhà liền kề, khang trang cho gia đình.
Ngôi nhà khang trang của gia đình chú Thạch Bê. |
Chị Thạch Thị Nươnl, vợ anh Thạch Văn Duyên vui vẻ: “Cưới nhau xong mấy tháng thì chồng tôi đi XKLĐ tiếp, ảnh nói kiếm thêm số vốn về làm ăn, mỗi tháng dư được khoảng 20 triệu đồng”.
Cùng ở ấp Sóc Rừng, gia đình chú Thạch Thiên có con trai là Thạch Chi Uone đi XKLĐ sang Nhật hơn 2 năm nay. Cô Thạch Thị Rương, vợ chú Thạch Thiên đem giấy chứng nhận của con ra, khoe: “Con trai tui mần ở công ty này nè (Công ty xây dựng, Daito Kentaku)”.
Chú Thạch Thiên cười tươi vì: “Hồi con trai đi, tui phải vay ngân hàng chính sách cả trăm triệu, xanh mặt mày. Giờ con gửi tiền về trả hết rồi, còn cho tiền tui mua dê nuôi.
Con nói, mần ở bển nhẹ hơn mần ruộng nhiều, sắp tới về có số vốn mà cưới vợ, mần ăn”.
Trước khi đi XKLĐ sang Nhật, anh Chi Uone đi nghĩa vụ quân sự rồi đi học nghề và đi làm. Cô Rương nói:
“Đi làm cũng được, nhưng tiền trọ, điện nước ăn uống cũng không có dư gì, rồi chú trưởng ấp giới thiệu chương trình XKLĐ, nó đòi đi vợ chồng tui cũng chịu luôn. Giờ mỗi tuần Uone điện về, kể chuyện bên Nhật nghe mắc ham vậy đó”.
Những gia đình như chú Thạch Bê, Thạch Thiên đã trở thành những điểm sáng và tạo nên niềm tin cho những hộ gia đình trong xã. Cô Rương cười: “Trước đây bà con trong xã không dám cho con đi XKLĐ nay thì ham lắm”.
Đi làm thuê, về làm chủ
Ở ấp Vĩnh Tắc xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn), có một cơ sở sản xuất nước sạch mới, đó là cơ sở của gia đình ông Nguyễn Văn Tám. Cơ ngơi này do hai con trai của ông Tám xây dựng nhờ số vốn tích lũy sau khi XKLĐ về.
Ông Tám phấn khởi nói: “Hai con trai- một đi Hàn Quốc, một đi Nhật Bản về mở cơ sở này hơn 1 tỷ đồng”. Đặc biệt anh Nguyễn Trường Giang đi XKLĐ sang Nhật sau khi về nước còn tiếp tục làm việc với nghiệp đoàn ở Nhật.
Ông Tám chia sẻ: “Tôi là thương binh. Trước đây, gia đình khó khăn, nhà 6 miệng ăn mà có 4 công ruộng nên thiếu trước hụt sau. Mấy năm nay, nhờ 2 đứa con trai đi XKLĐ mà gia đình trả hết nợ, thoát khỏi cảnh nghèo”.
Cũng như ông Tám, Chị Huỳnh Phước Thiện (Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) nói về hoàn cảnh gia đình mình chục năm trước vẫn còn xót xa: “Nhà nghèo, không đất sản xuất, cha mẹ lại mất sức LĐ nên vừa học xong phổ thông là cả ba chị em đi làm công nhân. Tui đậu đại học rồi đó nhưng đành gác ước mơ lại để phụ giúp gia đình”.
Làm công nhân được ít năm, chị Thiện quyết định đi XKLĐ sang Hàn quốc, chị cười: “Làm ở khu chế xuất, gói ghém cũng dư chút đỉnh nhưng chị em tôi thấy vậy cũng khó mà khá hơn được nên muốn XKLĐ để dành dụm một số vốn làm ăn”.
Chị Thiện chia sẻ: “Sau khi tôi sang Hàn Quốc 1 năm thì em gái tôi cũng sang làm việc. Em tôi mới về nước và đang học thêm tiếng Hàn để làm thông dịch viên”.
Bên căn nhà mới xinh xinh ở gần chợ, chị Thiện sống cùng chồng là anh Đặng Minh Tài cũng là bạn đi XKLĐ sang Hàn Quốc. “Lúc về, 2 đứa gom lại dư hơn 1 tỷ đồng.
Tiền con trai gửi về, chú Thạch Thiên đầu tư vào chăn nuôi. |
Tiền đó vợ chồng mua đất, giúp đỡ gia đình và mở cửa hàng này”- chị Thiện cười nhìn lên tấm ảnh gia đình.
Hiện tại, anh Tài mở cửa hàng vật tư nông nghiệp tại nhà, còn chị Thiện nhiều năm nay thành lập cơ sở may gia công. Xưởng của chị có 7 công nhân, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Anh Sơn Hoàng Xuân (33 tuổi, ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, TX Bình Minh) kể trước đây gia đình anh rất khó khăn, nhà cửa lụp xụp, nhưng sau 3 năm đi làm ở Nhật, anh đã tích lũy được khoảng 800 triệu đồng. Anh xây lại nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị.
Nhờ có kinh nghiệm, anh được Công ty Logitem của Nhật tuyển dụng vào làm việc tại Khu công nghiệp Bình Minh”.
Chuyện cho con đi XKLĐ đã trở thành ao ước của nhiều gia đình, trong đó có những LĐ từng là cử nhân thất nghiệp.
XKLĐ không chỉ là chính sách giúp LĐ có cơ hội việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế- xã hội địa phương, giảm nghèo bền vững mà còn là hướng đi giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rèn luyện kỹ năng và tác phong LĐ công nghiệp.
Hiện LĐ Việt Nam nói chung và LĐ Vĩnh Long nói riêng đang được các nước Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng.
Theo anh Lê Hữu Tuấn- Trưởng Phòng Ngoại vụ (Công ty TNHH Nhân lực Mirai- TP Hồ Chí Minh), hiện nay, việc XKLĐ của ta thiếu hụt LĐ có trình độ, LĐ có tay nghề.
Ngoài ra, các công ty XKLĐ cũng rất cần những đội trưởng, phiên dịch, trợ lý cho các ban chỉ huy công trường ở nước ngoài.
Trong khi đó, nhiều người tốt nghiệp đại học không xin được việc làm, buộc phải LĐ giản đơn để mưu sinh, rất lãng phí cho chi phí đào tạo của gia đình và ngân sách.
Thiết nghĩ tốt nghiệp đại học không xin được việc làm là bài toán nan giải của toàn xã hội, mà XKLĐ tri thức có thể là chìa khóa giải bài toán này hữu hiệu nhất.
Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hằng năm có hơn 110.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến tỉnh Vĩnh Long sẽ đưa 3.000 LĐ đi hợp tác LĐ có thời hạn ở nước ngoài. |