Mười tháng đầu năm 2018, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng hơn 116 nghìn người, đạt 106,07% kế hoạch năm. Như vậy, chỉ tiêu xuất khẩu lao động của năm nay đã vượt mục tiêu đề ra trước hai tháng.
- Cơ hội cho lao động Việt Nam đi XKLD Thái Lan ngành xây dựng và đánh cá
- Hơn 14.500 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, theo thông tin báo cáo từ các doanh nghiệp, trong mười tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, trong đó có 41.636 lao động nữ. Con số này giúp đạt 106,07% kế hoạch năm 2018.
Riêng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2018 là 14.548 lao động (4.978 lao động nữ). Con số cụ thể trong các thị trường nổi bật là: Đài Loan (Trung Quốc): 5.373 lao động (1.557 lao động nữ), Nhật Bản: 8.078lao động (3.204 lao động nữ), Hàn Quốc: 522 lao động (46 lao động nữ), Algeria: 102 lao động nam, Ả rập – Xê út: 120 lao động… và các thị trường khác.
Năm 2017 cũng ghi nhận con số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao kỷ lục, với 134 nghìn người. Năm 2018, ngành lao động đặt mục tiêu đưa 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng chỉ sau mười tháng, mục tiêu này đã cán đích thành công.
Mỗi năm gửi về nước từ 2 -2,5 tỷ USD
Dẫn số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, cơ quan giám sát cho biết giai đoạn 2010 – 2017, cả nước đã có 821.862 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm số lao động đi làm việc nước ngoài đạt khoảng trên 102.000 người/năm, chiếm 7% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước, có xu hướng tăng rõ rệt.
Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản (bình quân giai đoạn 2013 – 2017 tăng khoảng 461% so với giai đoạn 2010 – 2013), Đài Loan (bình quân tăng khoảng 183%), Trung Đông (bình quân tăng khoảng 120%).
Trong đó, thị trường Đài Loan thu hút lao động nhiều nhất và duy trì ổn định ở mức cao, trong khi thị trường Nhật Bản có mức tăng đột biến, số lao động đi làm việc tại Nhật Bản năm 2017 gấp 11 lần so với đầu kỳ (năm 2010), gấp 3 lần so với năm 2014, cơ quan giám sát so sánh.
Theo kết quả giám sát, nhìn chung, giai đoạn 2010 – 2017 lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ.
Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400 – 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700 – 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), 1000 – 1200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn từ người lao động ở nước ngoài gửi về, cơ quan giám sát nhận định.
Cụ thể, hàng năm, lượng tiền người lao động gửi về nước khoảng 2 -2,5 tỷ USD, với mức tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm. Theo báo cáo của UBND tỉn Hà Tĩnh, có năm lượng tiền người lao động gửi về nước hơn 4000 tỷ dồng xấp xỉ bằng 50% tổng thu nội địa trong tỉnh.