Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.731 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu là các nước như Malaysia, Tiểu Vương quốc Ả rập, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các địa phương đã hỗ trợ cho trên 223 người đi xuất khẩu lao động với tổng số tiền hơn 774 triệu đồng; 195 lao động đi làm việc ở nước ngoài vay vốn qua hệ thống Ngân hàng chính sách với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng; 150 lao động mở tài khoản qua các hệ thống ngân hàng và 28 lao động chuyển tiền về nước với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.
Năm 2016, toàn huyện Lập Thạch có hơn 130 người đi lao động làm việc ở nước ngoài. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, huyện Lập Thạch có có 32 người xuất khẩu lao động, trong đó có 21 người đi Nhật, 10 người đi Đài Loan, 1 người sang Malaixia.
Tam Dương là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh trong công tác xuất khẩu lao động. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có gần 200 lao động đi xuất khẩu lao động.
I. Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc
Những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xuất khẩu lao động; ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phong trào xuất khẩu lao động. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng. Qua đó số người tham gia xuất khẩu lao động ngày càng tăng, mang lại những tín hiệu tích cực cho công tác giải quyết việc làm.
Triển khai Nghị quyết 207 của HĐND, năm 2016, tỉnh đã cấp hơn 7,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động, trong đó có 595 người được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu đã thực chi trả hỗ trợ cho 167 lao động với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Nhờ những chính sách tích cực của tỉnh, số lao động tham gia xuất khẩu lao động ngày càng tăng qua các năm, hiện toàn tỉnh có hơn 20 nghìn lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2017, tỉnh phấn đấu tư vấn cho khoảng 13.000 lượt lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động, và thực tập sinh kỹ thuật Nhật Bản; cung ứng liên kết đào tạo ngoại ngữ cho hơn 400 lao động. Riêng quý I/2017, toàn tỉnh đã có hơn 235 người tham gia xuất khẩu lao động, chủ yếu là lao động thuộc các huyện: Lập Thạch, Sông Lô và Vĩnh Tường. Hiện người lao động Vĩnh Phúc đã có mặt tại trên 30 quốc gia trên thế giới, làm việc chủ yếu ở các lĩnh vực: Cơ khí, thực phẩm, điện tử, nông nghiệp, may mặc, giúp việc gia đình, điều dưỡng tại các cơ sở y tế và trung tâm dưỡng lão…
Cũng nằm trong chương trình xuất khẩu lao động, tỉnh khuyến khích người lao động và những đối tượng là học sinh, sinh viên đi xuất khẩu lao động theo hình thức du học vừa học vừa làm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đưa 36 lao động sang học tập và làm việc tại Nhật Bản thông qua hình thức du học vừa học vừa làm.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động còn thấp so với nhu cầu của người lao động; thị trường xuất khẩu lao động vẫn tập trung ở các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 95% là doanh nghiệp tỉnh bạn, tình trạng lao động không tuân thủ quy định pháp luật của nước đến làm việc, bỏ trốn ra ngoài làm việc hoặc không về nước khi hết hạn hợp đồng còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động… Do vậy, trong hoạt động quản lý, chỉ đạo của tỉnh cần phải xác định rõ mục tiêu, có giải pháp cụ thể tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành và phổ biến tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trong tỉnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xuất khẩu lao động.
II. Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng xuất khẩu lao động
Với mục tiêu góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, dư thừa lao động và giảm nghèo, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch chỉ đạo 15 xã điểm đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phấn đấu trong 4 tháng cuối năm 2017 mỗi xã đưa được trên 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về thị trường lao động và chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của tỉnh, tạo điều kiện để người lao động được vay vốn nhanh gọn. Tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ 7 triệu đồng qua hình thức hỗ trợ tiền giáo dục định hướng, lệ phí visa, lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe đối với các đối tượng chính sách, người bị thu hồi đất, hộ nghèo…; hướng người lao động tìm những thị trường cao cấp được đào tạo bài bản.
Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ cho người lao động đi xuất khẩu vay vốn theo hợp đồng và miễn 1 năm lãi suất. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, thông tin tin kịp thời về thị trường lao động nước ngoài, chính sách đặc thù, giới thiệu những mô hình điển hình trong xuất khẩu lao động. Tỉnh phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển chọn, giới thiệu và hỗ trợ cho lao động đi xuất khẩu.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tuyển lao động trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ đối với người lao động sau khi xuất khẩu lao động về nước đúng hạn và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở đào tạo nghề để đào tạo lao động có tay nghề, kỷ luật trước khi đi xuất khẩu lao động.
Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung ưu tiên các đối tượng học trung cấp nghề trong công tác xuất khẩu lao động. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, đánh giá nhu cầu lao động trong nước, số lao động hiện đang làm việc ở nước ngoài để có biện pháp quản lý hiệu quả; tổ chức hội nghị các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo định kỳ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh./.
[table “16” not found /]